Kết hợp Y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám, chữa bệnh là một chủ trương lớn của Chính phủ và của Bộ Y tế nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Những năm gần đây, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tích cực ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào khám chữa bệnh y học cổ truyền, tạo thuận lợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị.
Trước đây, khi nhắc đến y học cổ truyền, nhiều người thường nhớ đến những bài thuốc được sắc trong ấm đất hoặc những phương pháp điều trị thủ công. Thế nhưng những năm gần đây, việc điều trị bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới từ việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại đến việc đào tạo tập huấn, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán và điều trị.
Ưu điểm nổi bật của y học cổ truyền là vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt lý luận y học cổ truyền phương Đông vào chẩn trị. Thầy thuốc, bác sĩ y học cổ truyền thường nhìn một cách toàn diện, tổng thể về tình trạng thể chất, tinh thần… người bệnh, từ đó đưa ra lộ trình điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chữa bệnh từ căn nguyên. Điều này cũng rất phù hợp việc điều trị các bệnh lý mạn tính.
Hiện nay, trong xu hướng kết hợp y học cổ truyền - y học hiện đại, các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện phối hợp sử dụng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, ẩm thực trị liệu... để nâng cao hiệu quả trong chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi sức khỏe cũng như khi điều trị các bệnh lý. Các kỹ thuật y học cổ truyền được ứng dụng đa dạng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý, như các bệnh mạn tính béo phì, dạ dày tá tràng…, các bệnh lý cơ xương khớp - chấn thương chỉnh hình như thoái hóa khớp, viêm khớp, hội chứng vai gáy, yếu liệt…, các bệnh lý nội thần kinh như đau đầu, hội chứng tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não,…
Bác sĩ khoa Y học cổ truyền thực hiện kỹ thuật kéo nắn cột sống cổ cho bệnh nhân
Sự kết hợp vận dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh khá đa dạng, như: Khám, chẩn đoán, điều trị chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp y học hiện đại để thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết; Phối hợp cả y học cổ truyền - y học hiện đại trong khám, chẩn đoán bệnh, sau đó tùy mức độ, giai đoạn bệnh để chọn lựa cách điều trị phù hợp (chủ yếu bằng y học hiện đại hay y học cổ truyền hoặc kết hợp cả hai); Điều trị chủ yếu bằng y học hiện đại, kết hợp thuốc và các biện pháp không dùng thuốc y học cổ truyền để hạn chế các tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hoặc dùng y học cổ truyền giúp hồi phục chức năng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại được thực hiện chặt chẽ trên tất các lĩnh vực, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược,… hệ thống quản lý nhà nước về y tế đến hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài liệu chuyên môn hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị y tế, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, nâng cao trình độ chuyên môn cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong các lĩnh vực trong nhiều năm qua đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vị thế của y học cổ truyền từng bước được nâng cao và khẳng định vai trò trong hệ thống y tế của Việt Nam.
Cùng với điều trị, công tác dược trong điều trị y học cổ truyền tại Bệnh viện cũng được hiện đại hóa. Nếu như trước đây, các bác sĩ phải sắc thuốc bằng ấm than thì hiện nay đã đưa vào sử dụng máy sắc và đóng gói thuốc, liên hoàn từ khâu sắc đến đóng gói, giúp nâng cao chất lượng thuốc cũng như tạo sự tiện lợi trong việc sử dụng, bảo quản cho người bệnh.
Để ứng dụng thành công những kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ làm công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Bệnh viện cũng thường xuyên được bổ sung về chất lượng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua học tập, đào tạo, cập nhật những kiến thức mới.
Bác sĩ Chuyên khoa I. Phạm Duy Thìn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nếu như y học hiện đại tốt cho điều trị cấp tính thì y học cổ truyền lại có lợi cho sức khỏe khi điều trị lâu dài. Hằng năm, khoa thường xuyên tổ chức tập huấn hoàn thiện kiến thức cho y, bác sỹ trong khoa về các kỹ thuật y học cổ truyền theo phân tuyến của bộ y tế. Đến nay, khoa thực hiện tốt được 60/94 kỹ thuật, đạt tỷ lệ 70%, tiêu biểu như: Điện châm, điện mãng châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi... Đồng thời kết hợp với các khoa lâm sàng ứng dụng các kỹ thuật mới y học cổ truyền điều trị kết hợp nhiều ca khó thành công như: Mãng châm điều trị bí đái sau đẻ, sau chấn thương cột sống, sau mổ sản, mổ cột sống, liệt mặt, liệt chi, di chứng tai biến mạch máu não, thoát vị đĩa đệm cột sống... Bình quân mỗi năm khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có khoảng 1.500 bệnh nhân đến khám, gần 700 bệnh nhân điều trị nội trú.
Bà Trần Thị Bình, 67 tuổi ở huyện Cao Lộc chia sẻ: Tôi bị liệt nửa người, không đi lại được, vào khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Được các bác sĩ, điều dưỡng chữa bệnh, chăm sóc rất tận tình, chu đáo, đến nay tôi đã đi lại bình thường, tự làm được những việc hàng ngày, tôi rất phấn khởi. Tôi nhận thấy phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền rất phù hợp và hiệu quả với người lớn tuổi chúng tôi. Các bác sĩ trong khoa đã sử dụng nhiều máy móc hiện đại nên việc điều trị trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, tôi rất yên tâm, sức khỏe tiến triển tốt và chuẩn bị được xuất viện.
Hiện nay, tỉ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trên tổng số khám chữa bệnh chung và số lượng dịch vụ y học cổ truyền thực hiện tại Bệnh viện ngày càng tăng. Những kết quả này đã khẳng định ứng dụng y học hiện đại vào khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cũng như các cơ sở y tế sự thuận tiện cho người bệnh đông thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Thu Hằng - Khoa Y học cổ truyền