Ngày 20/8/2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận bệnh nhân nữ tên A (18 tuổi, ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn.
Bệnh nhân A đã sử dụng bóng cười đã hơn 1 năm nay, hầu như ngày nào A cũng hít vài quả. Khoảng 6 tháng trở lại, bệnh nhân thấy có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực nhưng các dấu hiệu thường tự khỏi sau vài ngày. Khoảng 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân A xuất hiện tê yếu nhiều cả tay và chân, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào viện. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cảm giác do sửu dụng khí N2O. Hiện tại, bệnh nhân đã được xử trí ổn định. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười được ghi nhận tại Bệnh viện.
Bóng cười là quả bóng được bơm khí N2O, loại khí gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Trong y học được sử dụng để gây mê. Sau khi hít khí N2O, cơ thể có cảm giác phấn khích. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, gây tê liệt người, thậm chí có thể tử vong.
Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự cá ma túy khác. Đây là một chất mà gần đây giới trẻ có xu hướng dùng nhiều và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy đá.
Ở Việt Nam bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không xếp loại chất ma túy. Tuy nhiên, lạm dụng bóng cười gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe. Đặc biệt, lạm dụng khí cười sẽ dẫn đến phụ thuộc và nghiện. Khi thiếu “khí cười” dễ bị trầm cảm. Do vậy, người dân, đặc biệt là giới trẻ tuyệt đối không sử bóng cưới dưới bất kỳ hình thức nào.