CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH – MỘT DẤU HIỆU CẦN CHÚ Ý

Ngày 17 / 12 / 2018
|
Y học thường thức

Vàng da ở trẻ sơ sinh là một triệu chứng thường gặp (tới 60% trẻ sơ sinh đủ tháng và gặp hầu hết ở trẻ sinh non), phần lớn là do tăng bilirubin tự do . Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu quá mức sẽ là bệnh lý. Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể bị tổn thương não (vàng da nhân não),để lại nhiều di chứng vĩnh viễn với mức độ khác nhau.

Phân loại vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

Vàng da sinh lý: Là mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn), không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...). Vàng da sinh lý xuất hiện sau 24 giờ sinh, thường tăng cao vào ngày thứ 3 và tự hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng, khoảng 2 tuần đối với trẻ sinh non.

Nguyên nhân hiện tượng này là do lượng lớn hồng cầu giai đoạn bào thai bị phá vỡ để được thay mới, hình thành bilirubin – một chất có màu vàng cam. Lúc này, gan của bé chưa đủ trưởng thành để chuyển hóa và đào thải lượng bilirubin tự do dư thừa khỏi cơ thể, gây vàng da. Bilirubin sẽ tự đào thải qua phân và nước tiểu về mức bình thường khi bé được khoảng 2 tuần tuổi.

Vàng da sơ sinh bệnh lý:thường xuất hiện sớm và quá mức hoặc không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Trẻ có biểu hiện vàng da vượt quá vùng mặđến vùng trên rốn; có thể kèm theo các triệu chứng lừ đừ, bỏ bú, co giật... Khi nồng độ bilirubin trong máu tăng quá cao có nguy cơ gây tổn thương não vĩnh viễn (vàng da nhân não làm trẻ điếc, múa vờn, chậm phát triển về tinh thần và vận động…) . Vàng da nhân não hay gặp nhất vào 2 tuần đầu sau sinh.

Vàng da bệnh lý thường do bất đồng nhóm máu mẹ con; trẻ sinh non tháng, cân nặng thấp, nhiễm trùng sơ sinh; do người mẹ bị bệnh tiểu đường, nhiễm trùng, nhiễm độc thai nghén…

Trẻ sơ sinh vàng da được chiếu đèn tại khoa Nhi BVĐK

Cách nhận biết trẻ vàng da và mức độ vàng da

Vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện trước tiên ở mặt và tiến triển theo hướng tăng dần từ đầu xuống đến chân. Phát hiện bằng cách đưa bé ra nơi có đủ ánh sáng tự nhiên, dùng ngón tay ấn nhẹ lên da mũi, mặt bé vài giây sau đó bỏ ra và quan sát màu của nơi ngón tay vừa bỏ ra. Nếu thấy vàng tức là bé có vàng da. Nếu bé có vàng da thì tiếp tục kiểm tra xuống vùng thấp dần: ngực –> trên rốn –> dưới rốn,…  để xác định chỗ thấp nhất thấy vàng da.

Cần làm gì khi trẻ vàng da

Nếu trẻ đang ở nhà, gia đình phải đưa bé đi khám ngay theo hẹn hay ngay khi có một trong các dấu hiệu sau :

- Vàng da sớm: xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, dù chỉ mới chớm vàng ở mặt.

- Vàng da tăng nhanh, vàng da tới đùi (hay thấp hơn).

- Vàng da kèm dấu hiệu khác (bú kém, lừ đừ, sốt, quấy khóc …).

- Bé vàng da sau 2 tuần tuổi ở trẻ sinh đủ tháng và sau 3 tuần tuổi ở trẻ sinh non.

- Vàng da xỉn màu hoặc trẻ đi phân bạc màu.

Nếu trẻ đang ở bệnh viện, hãy báo ngay với nhân viên y tế chăm sóc bé.

Vàng da được điều trị như thế nào?

Hầu hết vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh chỉ theo dõi không cần điều trị sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, chỉ những trường hợp có mức bulirubin quá cao mới cần phải can thiệp. Có hai phương pháp thường được sử dụng là chiếu đèn năng lượng và thay máu giúp làm giảm lượng bilirubin trong máu.

Một số lưu ý đối với các bậc cha mẹ

- Đưa trẻ đi khám ngay nếu vàng da quá mức (vượt qua vùng thông thường).

- Phơi nắng, tắm lá không có tác dụng điều trị làm giảm vàng da tăng bilirubin tự do. Phần lớn các trường hợp hết vàng da sau khi phơi nắng là vàng da sinh lý, nên trẻ tự hết vàng da do đào thải bilirubin qua phân và nước tiểu mà thôi .

- Hạn chế thức ăn giàu chất màu vàng: nghệ, cà rốt, bí đỏ... giúp giảm vàng da do tăng caroten máu, chứ không làm giảm vàng da do tăng bilirubin tự do.

 

Bs CKI Hoàng Đức Thuận- Khoa Nhi

Ý kiến bạn đọc