CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ

Ngày 28 / 08 / 2019
|
Y học thường thức

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và hiệu quả, cho ra hình ảnh rõ nét và chẩn đoán chính xác tình hình bệnh. Đây là kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng từ trường và sóng radio. Khi các nguyên tử hydrogen trong cơ thể người dưới tác động của từ trường và sóng radio, hấp thụ và phóng thích năng lượng RF. Quá trình phóng thích này được máy thu nhận, xử lý và chuyển đổi các tín hiệu thành hình ảnh. Hình ảnh cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, sắc nét và rõ ràng, chi tiết, giải phẫu tốt và có khả năng tái tạo 3D mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với bệnh lý của bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, hiệu quả chẩn đoán của MRI tốt hơn rất nhiều so với siêu âm, chụp X-quang hay chụp cắt lớp...

Chụp MRI được chỉ định cho các trường hợp sau:

- Chụp sọ não để phát hiện các bệnh u não, u thần kinh, đột quỵ não, bệnh lý mạch máu não, chấn thương sọ não, bệnh lý chất trắng của não, các dị tật bẩm sinh của não...

- Chụp hốc mắt để phát hiện các tổn thương trong và ngoài nhãn cầu.

- Chụp vùng đầu cổ để phát hiện các bệnh lý khớp thái dương – hàm, u vòm họng.

- Cột sống và tủy sống: MRI chẩn đoán chính xác các bệnh lý tủy sống, chấn thương cột sống và tủy sống, các dị tật bẩm sinh cột sống, ống sống và tủy sống.

- Chụp vùng bụng để phát hiện các bệnh lý gan, đường mật như u gan, u đường mật, sỏi mật... Các bệnh lý tuyến tụy, lá lách, thận, tuyến thượng thận.

- Cơ xương khớp: chụp MRI giúp phát hiện các khối u; tràn dịch khớp; rách, đứt, vỡ sụn khớp, dây chằng, gân thuộc các khớp vai, tay, háng, gối, chân.

- Tim mạch: MRI được chỉ định chụp mạch máu não, chụp động mạch cảnh, phát hiện dị tật bẩm sinh và các khối u ở tim.

Chụp MRI chống chỉ định cho các trường hợp:

- Người bệnh mang máy tạo nhịp tim, khử rung, trợ thính.

- Người bệnh có trong cơ thể các vật thể kim loại nhiễm từ: clip kim loại trong sọ, mạch máu, dị vật kim loại trong nhãn cầu (trong những trường hợp nghi ngờ phải chụp điện quang và yêu cầu khám chuyên khoa).

- Bệnh nhân mang trong người máy kích thích thần kinh, máy bơm tiêm tự động cấy trong người.

- Phụ nữ có thai trong 03 tháng đầu chỉ nên chụp MRI khi thật cần thiết.

- Phụ nữ cho con bú: khi có tiêm thuốc đối quang từ không cho trẻ bú trong vòng 24-48h sau tiêm thuốc.

Những điều cần lưu ý khi chụp MRI

- Bệnh nhân cần tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên phòng chụp MRI.

- Không mang các vật dụng có kim loại như đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, máy tính, máy điện thoại di động, thẻ tín dụng v.v… vào phòng chụp MRI.

- Để có chất lượng hình ảnh tốt, bệnh nhân không cử động trong lúc chụp MRI.

- Trong lúc chụp MRI, nếu có bất cứ yêu cầu nào, bệnh nhân có thể trao đổi trực tiếp với nhân viên điều khiển máy.

- Với trường hợp cần tiêm tương phản, thuốc được tiêm vào tĩnh mạch (tại vùng cẳng tay hay cổ tay, thời gian tiêm có thể từ 1 đến 2 phút) khi có các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt hoặc khó thở cần thông báo với nhân viên y tế ngay.

Thời gian chụp cộng hưởng từ thay đổi khoảng từ 15 phút đến 60 phút tùy thuộc vào cơ quan cần khảo sát và có tiêm thuốc tương phản hay không.

Ý kiến bạn đọc