CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG LƯU Ý KHI NỘI SOI TIÊU HOÁ GÂY MÊ

Ngày 27 / 06 / 2023
|
Tin tức

Nội soi tiêu hóa gây mê là phương pháp chẩn đoán các vấn đề tiêu hóa, cũng như giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Nội soi tiêu hóa gây mê là phương pháp an toàn, có độ chính xác cao và ít biến chứng.

1. Nội soi tiêu hóa gây mê là gì?

Nội soi tiêu hoá gây mê là phương pháp được sử dụng trong thăm khám các bệnh lý đường tiêu hóa gồm cả đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản, tá tràng) và đường tiêu hóa dưới (đại – trực tràng). Thông qua thiết bị nội soi, các bác sĩ có thể phát hiện ra các vấn đề bất thường trong đường tiêu hóa như: các dị vật, các tổn thương niêm mạc,... Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư, người bệnh có thể được thực hiện sinh thiết, lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn HP, phát hiện xuất huyết tiêu hoá,…

Nội soi tiêu hóa gây mê được đánh giá là phương pháp an toàn, độ chính xác cao, ít biến chứng. Lượng thuốc mê sử dụng để gây mê bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tính toán phù hợp với thể trạng của từng người bệnh. Người bệnh sẽ tỉnh lại ngay sau khi kết thúc quá trình nội soi và không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với phương pháp nội soi tiêu hoá truyền thống, người bệnh phải trải qua những tình trạng khó chịu, đau đớn, buồn nôn, nôn, nhu động ruột bị kích thích,... gây khó khăn cho bác sĩ, gây ảnh hưởng tới kết quả nội soi; một số trường hợp người bệnh cảm thấy đau họng sau khi tiến hành nội soi. Nhưng đối với nội soi tiêu hóa gây mê, những tình trạng ở trên sẽ không còn. Người bệnh sẽ chỉ cảm giác như vừa trải qua một giấc ngủ sâu, vô cùng êm ái và dễ chịu.

2. Trước khi nội soi bệnh nhân cần chuẩn bị gì?

Để quá trình nội soi thuận lợi và có được kết quả chính xác nhất giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán đúng bệnh và có được phác đồ điều trị phù hợp, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây:

- Nhịn ăn trước ít nhất 6 giờ để thuận lợi hơn trong quan sát và an toàn tránh trào ngược khi gây mê.

- Không uống đồ uống có màu. Đặc biệt, với nội soi tiêu hóa gây mê, nhịn uống nước trước gây mê nội soi ít nhất 2 giờ để tránh tình trạng trào ngược vào phổi.

- Với nội soi dạ dày, người bệnh không được uống các loại thuốc có tác dụng bọc niêm mạc dạ dày trước khi soi.

- Đối với nội soi đại tràng có gây mê: bệnh nhân cần làm sạch ruột trước khi tiến hành kỹ thuật.

- Những bệnh nhân dưới 10 tuổi nên hạn chế thực hiện nội soi tiêu hóa gây mê, trừ những trường hợp khẩn cấp có chỉ định của bác sĩ.

3. Những ai không được nội soi tiêu hóa gây mê

Nội soi dạ dày là một thủ thuật phổ biến và khá an toàn với hầu hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải hoãn nội soi dạ dày nếu:

- Nghi ngờ bị thủng dạ dày, bỏng do uống phải axit.

- Suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp.

- Bệnh nhân vừa mới ăn no.

- Bị loét thủng ống tiêu hoá.

4. Những điều lưu ý khi nội soi tiêu hóa gây mê

- Nội soi gây mê, sẽ cần một khoảng thời gian để thuốc mê hết tác dụng (thường là khoảng 1 giờ). Người bệnh nên nghỉ ngơi chờ tỉnh táo nên cần có người nhà đi cùng.

- Sau khi nội soi, người bệnh có thể cảm thấy: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng nhẹ. Tình trạng này sẽ giảm dần trong ngày.

- Sau nội soi tiêu hoá gây mê nên ăn món cháo, súp nấu, đồ lỏng dễ tiêu hóa. Có thể dùng sữa nguội và không nên uống sữa nóng vì có thể làm tổn thương dạ dày.

- Ngày đầu tiên sau khi nội soi, bệnh nhân tránh ăn rau củ quả có vị chua như chanh, xoài, bưởi,.. hay các món ăn được muối chua như dưa, cà muối... Tránh sử dụng rượu, bia, các loại thuốc lá, cà phê, chất kích thích vì sẽ phá hủy lớp niêm mạc dạ dày, khiến cho dạ dày bị tổn thương.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm chuyên môn, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại sẽ đem đến cho người bệnh sự an tâm, tin tưởng, hài lòng khi thực hiện dịch vụ nội soi tiêu hoá gây mê tại Bệnh viện.

Ý kiến bạn đọc