CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Một số phản ứng liên quan đến tiêm truyền cần lưu ý

Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại (CARM) của New Zealand đã tiếp nhận báo cáo về trường hợp bệnh nhân xuất hiện mẩn đỏ và ngứa sau tiêm truyền vancomycin. Biểu hiện lâm sàng của phản ứng nghiêm tiêm truyền vancomycin trên bệnh nhân này (trước đây còn gọi là Hội chứng người đỏ _RMS) có thể tương tự phản ứng phản vệ.

Sau đây là một vài ví dụ về các thuốc có thể gây ra phản ứng liên quan đến tiêm truyền.

Phản ứng liên quan đến tiêm truyền là gì?

Phản ứng tiêm truyền là các biến cố bất lợi nghiêm trọng tiềm ẩn của các thuốc dùng qua đường tĩnh mạch do các nguyên nhân cơ bản khác nhau.

Phản ứng tiêm truyền có thể là phản ứng dị ứng hoặc giả dị ứng.

- Dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn có thể được phân loại theo cơ chế thành 4 typ. Phản vệ là biểu hiện nghiêm trọng nhất của phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch IgE (quá mẫn typ I).

- Giả dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn không qua trung gian miễn dịch là những phản ứng hiếm gặp, khó dự đoán. Cơ chế gây ra hầu hết các phản ứng giả dị ứng vẫn chưa rõ ràng. Trong phản ứng tiêm truyền vancomycin, tế bào mast được hoạt hóa không qua IgE, gây ra biểu hiện lâm sàng tương tự phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch IgE. 

Dị ứng và giả dị ứng rất khó phân biệt trên lâm sàng. Tuy nhiên cả hai loại phản ứng này đều nguy hiểm đến tính mạng. Nếu phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của phản vệ, cần ngừng truyền thuốc ngay lập tức và tiến hành các biện pháp xử trí thích hợp.

Các thuốc có nguy cơ gây phản ứng tiêm truyền nên được sử dụng ở các đơn vị có nhân lực được đào tạo và sẵn sàng các thiết bị hồi sức cấp cứu.

Ví dụ về phản ứng tiêm truyền thuốc

Vancomycin, kháng sinh nhóm Quinolon là một vài ví dụ về các thuốc có liên quan đến phản ứng tiêm truyền.

Vancomycin

Tiêm truyền nhanh vancomycin có thể gây phản ứng giả dị ứng. 

Để hạn chế nguy cơ phản ứng bất lợi, cần tiêm truyền vancomycin với tốc độ không quá 500 mg/giờ ở nồng độ thích hợp.

Dự phòng trước RMS theo kinh nghiệm cho bệnh nhân truyền vancomycin với tốc độ nhanh (>10 mg/phút hoặc 1 g/h). Ưu tiên dùng kháng histamin đường uống nếu có thể. Kháng histamin H1 có thể đủ để dự phòng khi tăng nhẹ tốc độ truyền. Khuyến cáo nên sử dụng phối hợp kháng histamin H1 và H2 để giảm thiểu khả năng xảy ra phản ứng nếu sử dụng tốc độ nhanh hơn đáng kể (ví dụ: 1 gam/10 phút).

Các triệu chứng của phản ứng tiêm truyền vancomycin có thể bao gồm hạ huyết áp, đỏ bừng mặt, ban da, mề đay, ngứa, đau và co thắt cơ ở ngực và lưng. Các triệu chứng giảm khi ngừng truyền, khác biệt với phản vệ.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng, có thể tiếp tục truyền với tốc độ chậm sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân để đề phòng tai biến.

Các biệt dược chứa hoạt chất Vacomycin tại Bệnh viện: Voxin 500mg; Vecmid 1g.

Kháng sinh nhóm Quinolon: ciprofloxacin, levofloxacin, ofloxacin  và moxifloxacin

Tiêm truyền nhanh có thể gây ra các phản ứng tại vị trí tiêm truyền

Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện kích ứng tại vị trí tiêm truyền, cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình truyền thuốc. Đó là độ pha loãng của dung dịch, tốc độ tiêm truyền và vị trí tiêm truyền

 

Khuyến cáo về nồng độ và thời gian truyền các fluoroquinolon

TT

Tên thuốc

Liều dùng (mg)

Nồng độ

tiêm truyền (mg/ml)

Thời gian truyền

tối thiểu (phút)

1

Ciprofloxacin

200 - 400

1 - 2

30 - 60

2

Levofloxacin

500

5

60 - 90

3

Moxifloxacin

400

1,6

60

 

Các triệu chứng của phản ứng tiêm truyền bao gồm cảm giác đau, ngứa, đỏ hoặc viêm tĩnh mạch tại vị trí truyền do tĩnh mạch bị kích ứng. Với ciprofloxacin, phản ứng thường được cải thiện nhanh chóng sau khi kết thúc tiêm truyền, do đó thường không cần ngừng hay đổi thuốc, trừ khi phản ứng lặp lại và nặng hơn ở các lần dùng thuốc sau đó. Cơ chế của phản ứng hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, yếu tố liên quan nhiều nhất đến sự xuất hiện kích ứng nơi tiêm khi tiêm truyền ciprofloxacin được cho là thời gian truyền ngắn (dưới 30 phút) và truyền qua tĩnh mạch nhỏ. Với các quinolon khác, chưa tìm được mối liên hệ giữa tốc độ truyền và nguy cơ xảy ra kích ứng, tuy nhiên truyền nhanh cũng làm tăng nguy cơ gây mạch nhanh, hạ huyết áp tạm thời (đối với levofloxacin) hoặc kéo dài khoảng QT (đối với moxifloxacin).

Các biệt dược thuộc nhóm Quinolone tại Bệnh viện: Levofloxacin cooper 500mg/ml; Levogolds 750mg/ml; Ciprobid 400mg/200ml.

Nguồn:

1. http://magazine.canhgiacduoc.org.vn/Magazine/Details/149

2. http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2429/Medsafe-phan-ung-tiem-truyen-can-luu-y.htm

3. Tờ thông tin sản phẩm của các thuốc tại bệnh viện: Vecmid 1g; Voxin 500mg; Levofloxacin cooper 500mg/ml; Levogolds 750mg/ml; Ciprobid 400mg/200ml.