CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ TRẺ EM MẮC COVID-19 MỨC NHẸ TẠI NHÀ

Ngày 07 / 02 / 2022
|
Y học thường thức

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Tỉnh Lạng Sơn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, trong đó có trẻ em. Để kịp thời thực hiện các biện pháp y tế, ứng phó nhanh trước tình hình dịch bệnh lây lan rộng, chủ động theo dõi, điều trị F1, F0 tại nhà có hiệu quả, phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh nhi nhiễm COVID-19 có chỉ định nhập viện điều trị. Do đó các bậc phụ huynh cần nắm một số kiến thức cơ bản để chăm sóc trẻ mắc bệnh COVID-19 tại nhà.

1. Tình hình Covid -19 trẻ em

COVID-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019, rồi lan rộng ra toàn thế giới gây đại dịch hiện nay.

Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi <12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

2. Hướng dẫn điều trị trẻ em mắc COVID-19 mức nhẹ tại nhà

- Trẻ nằm phòng riêng, phòng thông thoáng, không sử dụng điều hoà.

- Áp dụng phòng ngừa chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.

 - Điều trị triệu chứng:

+ Hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38.50C. Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 04 giờ đến 06 giờ nếu vẫn còn sốt. tổng liều không quá 60mg/kg/ngày.

 + Thuốc điều trị ho: Ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược.

+ Vệ sinh thân thể, răng miệng, hút mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, súc miệng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.

- Uống nhiều nước, Oresol. Ăn lỏng, nhiều bữa, đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng. Trẻ nhỏ nên được bú mẹ đầy đủ.

- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn)

- Theo dõi:

+  Đo nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt

+  Đo Sp02  tối thiểu 2 lần/ ngày hoặc thấy trẻ mệt, thở nhanh/ khó thở

+  Phát hiện các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng của trẻ hàng ngày.

Lưu ý: Phụ huynh nên gọi điện đến tổ y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, các bác sỹ chuyên khoa khi trẻ có các dấu hiệu bất thường khác để được tư vấn kịp thời.

* Dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng:

Cần cấp cứu hoặc gọi tổ phản ứng nhanh để cấp cứu tại nhà hoặc đưa đến bệnh viện ngay:

- Thở nhanh theo tuổi, Cánh mũi phập phồng, Rút lõm ngực. (Thở nhanh theo tuổi: trẻ <2 tháng ≥ 60 lần/ phút, trẻ 2-11 tháng ≥ 50 lần/ phút, trẻ 1-5 tuồi: ≥ 40 lần/ phút. Lưu ý đếm nhịp thở ở trẻ em: đếm đủ trong 01 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

- Trẻ li bì, lờ đờ, mệt, không chịu chơi, quấy khóc nhiều

- Trẻ bỏ bú/ ăn kém, nôn nhiều.

- Tím tái môi, đẩu chi.

- Sp02< 95% (nếu đo được)

3. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nhiễm COVID-19:

- Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hầu hết những trẻ khỏe mạnh bị nhiễm bệnh có khả năng tự khỏi và thường sẽ khỏi bệnh trong vòng một hoặc hai tuần.

- Các thuốc Kháng virus, Corticoid, kháng sinh…chỉ sử dụng khi trẻ ở thể nặng hơn cần điều trị tại bệnh viện, cần có hướng dẫn sử dụng cụ thể của Bác sỹ.

Một số thuốc dân gian, truyền miệng thì các Bác sỹ khuyên nên hạn chế sử dụng vì không có bằng chứng khoa học về hiệu quả sử dụng đối với trẻ bị COVID-19.

- Thể nặng thường gặp trên trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường…

- Lưu ý theo dõi hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) xuất hiện 2-6 tuần sau nhiễm covid. Các triệu chứng của hội chứng MIS-C gồm: sốt , nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng , ho - sổ mũi, phát ban, mắt đỏ...Cần khám Bác sỹ chuyên khoa Nhi để phát hiện và điều trị kịp thời.

 

Bác sỹ CKI Hoàng Đức Thuận

Ý kiến bạn đọc