CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Cảnh báo đối với sản phụ không tiêm phòng vaccine Covid-19

Ngày 15 / 02 / 2022
|
Y học thường thức

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đang điều trị cho gần 400 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận 22 trường hợp bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai mắc Covid-19; trong đó, có 14 trường hợp chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19. Đặc biệt, có một trường hợp sản phụ mắc Covid-19 chuyển biến rất nặng, phải thở máy.

Hầu hết, các sản phụ chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 là do tâm lý lo sợ vắc xin sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của phụ nữ có sự suy giảm nhất định: Nhu cầu oxy cao hơn bình thường, cơ thể lại có hiện tượng phù nề giữ nước, dễ gây tổn thương niêm mạc hô hấp trên. Ngoài ra, những thai phụ nhiều tuổi hoặc có các bệnh lý nền, các bệnh lý về huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì….dễ bị biến chứng thai kỳ. Cùng với những yếu tố này, nếu lại mắc thêm Covid-19 sẽ làm nguy cơ biến chứng của phụ nữ mang thai càng thêm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, chủ động bảo vệ phụ nữ mang thai trước đại dịch bằng vaccine Covid-19 là biện pháp hết sức hữu hiệu và cần thiết. 

Chị N.H.T.U, sản phụ mang thai 37 tuần đang điều trị tại khoa Phụ sản – BVĐK chia sẻ: “Trước đây, em cũng rất lo sợ các biến chứng ảnh hưởng đến em bé nên quyết định không tiêm phòng Covid-19. Rồi em bị dọa sảy thai nên càng lo lắng hơn. Nhưng khi vào viện, được các bác sĩ, các chị hộ sinh tư vấn, thấy tình hình dịch ở Lạng Sơn ngày càng phức tạp, em đã đi tiêm phòng Covid-19. Hiện tại, em đã tiêm đủ 2 mũi và thấy sức khỏe ổn định, em bé cũng vẫn phát triển bình thường”.

Ngày 10/9/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID -19, với một số quy định điều chỉnh, bổ sung nhằm  xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm, trong đó có phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Hiện tại, ngoại trừ vaccine Sputnik V bị chống chỉ định, các loại vaccine còn lại như Astrazeneca, Mordena, Prizer BioNTech đều có thể sử dụng để tiêm cho phụ nữ mang thai.

Phụ nữ mang thai khi tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cần lưu ý:

- Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vắc xin phòng Covid-19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp không kịp hoàn tất, thai phụ sẽ thực hiện tiêm trong thời kì hậu sản. 

- Ngoài ra, đối với những loại vaccine khác mà phụ nữ mang thai cần tiêm trong thai kỳ (như vaccine phòng uốn ván...), cần tiến hành tiêm trước vaccine phòng Covid 19 ít nhất 14 ngày hoặc cách 28 ngày sau khi tiêm vaccine Covid 19.

- Phụ nữ mang thai khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể gặp các phản ứng phụ như người bình thường. Các dấu hiệu thông thường: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Nếu gặp các triệu chứng bất thường như sốt cao trên 38,5 độ, khó thở kéo dài… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

- Chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để có cơ thể khỏe mạnh và đáp ứng miễn dịch tốt nhất sau khi tiêm chủng.

Ý kiến bạn đọc