CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

ĐAU MẮT ĐỎ: NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC NHỎ MẮT

Ngày 07 / 10 / 2023
|
Tin tức

Dịch đau mắt đỏ đang lây lan với số ca tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên một số người bệnh đau mắt đỏ thay vì đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì lại tự mua thuốc nhỏ mắt dùng trong thời gian dài dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm gây suy giảm thị lực.

Bệnh nhân nữ (25 tuổi, ở TP. Lạng Sơn) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khám bệnh với tình trạng đau nhức cả 2 bên mắt, nhìn mờ, tăng nhãn áp. Bệnh nhân cho biết, trước đó chị bị ngứa, đỏ mắt nên đã tự đến hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt loại Tobradex. Sau vài ngày nhỏ thuốc này, chị thấy khỏi các triệu chứng, nhưng chỉ dừng thuốc 2 ngày thì tình trạng bệnh lại tái phát. Bệnh nhân lại tiếp tục mua Tobradex về nhỏ mắt cho đến khi thấy mắt ngày càng đau nhức và mờ đi mới đến Bệnh viện khám.

Tobradex là thuốc nhỏ mắt phối hợp giữa tobramycin và dexamethasone. Là một loại thuốc được bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ định khá rộng rãi để điều trị các viêm nhiễm tại kết mạc, giác mạc, bờ mi, viêm màng bồ đào trước… do nhiễm khuẩn, dị ứng, rối loạn miễn dịch. Thuốc còn được dùng sau phẫu thuật bề mặt nhãn cầu, hay phẫu thuật vào nội nhãn để chống viêm, giảm đau.

Tobramycine là kháng sinh, có tác dụng mạnh và hấp thu nhanh. Còn dexamethasone là hoạt chất chống viêm thuộc dòng Corticoid rất mạnh, hấp thu tốt vào nội nhãn, có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức và cương tụ mạch máu nhanh chóng. Sự phối hợp giữa 2 hoạt chất này sẽ giúp cho các triệu chứng của bệnh mắt nhanh chóng được đẩy lùi, đạt hiệu quả điều trị mong muốn cho người kê đơn và cả bệnh nhân.

Tuy nhiên, cần lưu ý đây là một loại thuốc kê đơn, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Do thuốc chứa Corticoid nên nếu lạm dụng để nhỏ mắt thường xuyên, kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (bệnh Glôcôm), làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực. Điều nguy hiểm là khi giảm thị lực do dùng thuốc này thì không bao giờ hồi phục.

Thời gian gần đây, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một số trường hợp tương tự như bệnh nhân trên, ban đầu chỉ là viêm kết mạc thông thường nhưng do lạm dụng thuốc chứa Corticoid trong thời gian dài đã dẫn đến suy giảm thị lực do bệnh Glocom, đây là bệnh có nguy cơ gây mù loà rất cao.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid. Việc lạm dụng Corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc.

Trong một số trường hợp, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (một tình trạng có khả năng gây mù),… Các biến chứng này càng đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em.

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng, ..) hoặc để phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

5 bước nhỏ thuốc mắt đúng cách

- Bước 1: Rửa tay sạch. Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.

- Bước 2: Dùng ngón trỏ kéo nhẹ mi dưới xuống, để lộ cùng đồ dưới.

- Bước 3: Bóp nhẹ chai thuốc, nhỏ 1 giọt thuốc vào cùng đồ dưới. Tránh để chai thuốc chạm vào mắt, mi mắt hay ngón tay.

- Bước 4: Nhắm mắt nhẹ nhàng, dùng tay đè nhẹ vào góc trong mắt.

- Bước 5: Dùng khăn giấy lau nhẹ phần thuốc tràn ra ngoài mi mắt.

Người dân cần lưu ý, khi có các dấu hiệu đau mắt, cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để được thăm khám và chỉ định điều trị hợp lý, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị tránh sai xót, nhầm lẫn với các bệnh về mắt khác, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ý kiến bạn đọc