CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

CÁCH XỬ TRÍ ĐUỐI NƯỚC

Ngày 30 / 05 / 2018
|
Y học thường thức

Dịp hè, trẻ được nghỉ học, thường tự do chơi đùa ở những nơi có nguy cơ đuối nước, dẫn đến tình trạng đuối nước gia tăng, nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước khi tắm tại các bể bơi, sông, hồ…được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Trong số đó có trường hợp đã tử vong trước khi được đưa vào viện. Khi gặp tai nạn đuối nước, nếu không biết cách sơ cứu ban đầu, nguy cơ tử vong là rất cao.

Dạy trẻ học bơi để tránh các tình huống nguy hiểm

Phòng tránh đuối nước cho trẻ:

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em.

Đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ: Làm tường rào, nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, bể chứa nước hoặc các dụng cụ chứa nước số lượng lớn trong gia đình.

Trẻ nhỏ cần được chăm sóc và giám sát chặt chẽ, nhất là khi đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; hoặc đi bơi ở bể bơi, suối, sông, biển,…

Cần cho trẻ em học bơi và tránh các tình huống nguy hiểm có thể gặp khi tiếp xúc với nước; giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn.

Mọi người cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước đúng cách để áp dụng khi cần .

Sơ cứu khi bị đuối nước:

Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao (không nhảy xuống nước nếu không biết bơi) hoặc vớt người bị nạn lên. Người cứu tiến lại nạn nhân từ phía lưng, ôm lấy lưng nạn nhân hoặc nắm tóc kéo lên. Tránh tình trạng nạn nhân còn tỉnh sẽ hoảng loạn, ôm ghì lấy người cứu dẫn đến hậu quả cả hai cùng bị chết đuối.

Đặt người bị nạn nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí và nhanh chóng tiến hành khai thông đường thở, thổi ngạt cho nạn nhân. Quay nghiêng đầu nạn nhân sang một bên, ngón tay trỏ luồn vào miệng nạn nhân móc hết dị vật và cho nước trong miệng nạn nhân chảy ra ngoài.

Nếu người bị nạn ngừng thở, cần kết hợp hô hấp nhân tạo kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực ngay:

Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn vào vị trí 1/3 dưới xương ức. Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ ba lần ép tim thổi ngạt một lần.

Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào vị trí nửa dưới xương ức, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần.

Cần nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất. Khi vận chuyển cần tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu.

Ý kiến bạn đọc