CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

ĐỀ PHÒNG SAY NẮNG, SAY NÓNG

Ngày 16 / 05 / 2018
|
Y học thường thức

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Người bị say nắng thường có biểu hiện rất mệt, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có thể hôn mê hoặc bị đột quỵ. Nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân say nắng, say nóng:

- Khi ở quá lâu ngoài trời nắng to (lao động, đi lại hoặc tắm biển khi trời nắng gắt, kéo dài…) nhiều tia nắng mặt trời (tia cực tím) chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy sẽ làm rối loạn điều nhiệt: thân nhiệt: tăng cao quá mức.

- Khi phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao, nóng bức (hầm lò, xưởng máy, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài) dưới trời oi bức, cơ thể không thích ứng với điều kiện xung quanh gây nên tình trạng tăng thân nhiệt và mất nước trầm trọng, sẽ làm tổn thương hệ thống thần kinh.

Biểu hiện say nắng, say nóng:

Các biểu hiện của say nắng tùy theo mức độ tăng thân nhiệt, mất nước – muối và thời gian ở ngoài nắng. Thông thường, say nắng và say nóng có biểu hiện:

- Tim đập nhanh, thở gấp, mệt lả, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, khó chịu.

- Da nóng và khô, đỏ mặt, nôn mửa thậm chí tiêu chảy.

 - Giảm khả năng nhận thức xung quanh, rối loạn cử chỉ, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng,… Nặng hơn là hôn mê, co giật.

- Khó thở, chuột rút, ngất, hôn mê, trụy tim mạch…

Cách phòng tránh say nắng, say nóng:

- Tránh các hoạt động thể lực quá sức, kéo dài (lao động, đi lại hoặc chơi thể thao,…) trong môi trường nắng to, nóng bức.

- Sau mỗi giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, nên nghỉ giải lao khoảng 1 - 15 phút.

- Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,…(nên dùng quần áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cho cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).

- Uống nhiều nước, mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Dùng dung dịch điện giải (Oresol hoặc nước có ít muối) là tốt nhất.

- Với trẻ em và người cao tuổi, cần hạn chế ra ngoài vào những ngày trời nắng nóng.

Xử trí khi bị say nắng, say nóng:

- Khi bị say nắng, say nóng, cần đưa ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, lấy khăn thấm nước mát phủ lên người mục đích để giảm thân nhiệt.

- Cho uống nước mát có pha muối (Oresol hoặc nước hoa quả thêm muối) là tốt nhất.

- Chườm mát (bằng khăn sạch nhúng nước mát) ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như: hai vùng nách, hai vùng bẹn, cổ nhằm nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân. Không nên dùng nước đá để hạ nhiệt sẽ làm cho tim đập nhanh, thậm chí đột quỵ.

- Cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất; nhất là khi nạn nhân không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở hoặc bất tỉnh. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   (Sưu tầm)

Ý kiến bạn đọc