Bệnh Glôcôm được gọi là “kẻ cắp thị lực thầm lặng” khiến thị lực người bệnh vĩnh viễn không hồi phục. Đây cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 ở Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới.
Nhiều người bị bệnh Glôcôm nhưng không biết mình bị bệnh. Glôcôm gây tăng nhãn áp từ từ làm tổn thương dây thần kinh thị giác - dây thần kinh tối quan trọng kết nối giữa mắt và não. Người bị bệnh Glôcôm thường mất thị lực trước khi họ nhận thấy bất kỳ vấn đề nào về mắt.
Người bệnh không thể lấy lại thị lực đã mất do bệnh Glôcôm. Và các bác sĩ nhãn khoa cũng chưa biết cách nào để chặn đứng mọi bệnh nhân Glôcôm ngừng tiến triển ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực nghiêm trọng và mù lòa do bệnh Glôcôm.
Glôcôm là một bệnh rất nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh Glôcôm bằng cách:
Khám mắt thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thị lực. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo dõi thường xuyên, khi thấy mắt có những biểu hiện bất thường cần phải đi khám ngay; khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Những người trên 40 tuổi phải thường xuyên đi khám mắt và đo nhãn áp, những người đã mổ Glôcôm cần được theo dõi thường xuyên và khám lại định kỳ để được bác sỹ nhãn khoa tư vấn, theo dõi một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tình trạng giảm thị lực của mắt. Một người trong gia đình bị bệnh Glôcôm thì phải đo nhãn áp cho tất cả mọi người trên 25 tuổi có cùng huyết thống.
Mọi người không được lạm dụng thuốc có chứa Corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù loà do bị Glôcôm, đục thể thuỷ tinh, loét giác mạc. Nếu phải điều trị Corticoid toàn thân trong một số bệnh lý khác cần phải được theo dõi chặt chẽ nhãn áp để phát hiện kịp thời những biến chứng do thuốc gây ra.
- Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng võng mạc thiếu máu do những bệnh này gây ra để điều trị laser dự phòng Glôcôm tân mạch.
- Những người được chẩn đoán bị đục thể thuỷ tinh cần theo dõi và mổ đúng thời điểm để tránh những biến chứng do đục thể thuỷ tinh giai đoạn cuối gây ra.
- Hướng dẫn cho người dân biết cách sơ cứu bỏng hoá chất, chấn thương. Điều trị đúng, tích cực những trường hợp bỏng hoặc chấn thương tránh biến chứng xảy ra.
Và cần lưu ý một số điều sau đây:
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây có màu, quả mọng và rau mỗi ngày. Chúng chứa các vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ cơ thể và đôi mắt của bạn. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy thực phẩm tốt cho mắt tốt hơn dùng vitamin trong việc ngăn ngừa bệnh glôcôm.
- Tập thể dục thường xuyên với tốc độ vừa phải có thể làm giảm nhãn áp và cải thiện sức khỏe.
- Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi bị chấn thương: Chấn thương mắt có thể dẫn đến bệnh Glôcôm. Luôn đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao hoặc khi làm việc ngoài trời.
- Tránh các tư thế cúi đầu thấp: Người bị bệnh tăng nhãn áp hoặc có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, không nên để đầu thấp hơn tim trong thời gian dài.
- Ngủ đúng tư thế: Nếu bạn bị tăng nhãn áp, tránh kê mắt lên gối hoặc đè trên cánh tay khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời: Có một số bằng chứng cho thấy tia UV của mặt trời có thể gây ra một loại bệnh Glôcôm. Nên đeo kính râm và đội mũ khi ra ngoài trời.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Một vài nghiên cứu chỉ ra việc liên quan giữa bệnh nướu răng với tổn thương thần kinh thị giác trong bệnh Glôcôm. Vậy nên giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày và đi khám răng thường xuyên.