CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHẪU THUẬT CỨU SỐNG BỆNH NHÂN LỒNG RUỘT HIẾM GẶP

Ngày 15 / 12 / 2022
|
Tin tức

Ngày 19/11/2022, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã chẩn đoán và phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân bị lồng ruột kiểu hỗng tràng - dạ dày hiếm gặp.

Bệnh nhân là H.T.H (56 tuổi, địa chỉ Hưng Vũ – Bắc Sơn – Lạng Sơn). Người bệnh có tiền sử mổ cắt dạ dày cách đây khoảng 30 năm (không có giấy tờ phẫu thuật). Trước vào viện khoảng 10 giờ, người bệnh xuất hiện đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu đỏ tươi số lượng nhiều. Người bệnh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng sơn cấp cứu với tình trạng: Đau bụng nhiều vùng trên rốn, nôn nhiều lần ra máu đỏ tươi, truỵ tim mạch. Tại đây, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Bác sỹ chẩn đoán hướng đến người bệnh bị lồng ruột hỗng tràng – dạ dày/ tiền sử cắt đoạn dạ dày.

Hình ảnh siêu âm ổ bụng bệnh nhân H

Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành mổ cấp cứu dưới sự phối hợp của liên chuyên khoa Cấp cứu, Ngoại Tiêu hoá và Chẩn đoán hình ảnh. Trong phẫu thuật các bác sỹ nhận thấy quai hỗng tràng chui qua miệng nối vào dạ dày gây thắt nghẹt ruột đã tiến hành mở dạ dày tháo đoạn ruột lồng, cắt đoạn ruột bị hoại tử. Ca phẫu thuật thành công sau 2 giờ thực hiện. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân ổn định, đã ăn uống bình thường và được xuất viện.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Còn đối với lồng ruột ở người lớn thì chỉ có phương pháp phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây lồng ruột và tránh nguy cơ tái phát cho người bệnh. Đây là một ca bệnh khó, để chẩn đoán chính xác đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao về chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh và Ngoại Tiêu hóa đồng thời cần có hệ thống máy móc hiện đại như Chụp cắt lớp vi tính, Chụp Cộng hưởng từ,... mới có thể nhanh chóng, kịp thời cứu sống người bệnh.

Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, chiếm tỷ lệ từ 1-5%  các trường hợp lồng, trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Các trường hợp lồng ruột ở người lớn thì có tới hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ruột non và đại tràng, một số khác do có túi thừa meckel, manh tràng di động…. vì hiếm gặp ở người lớn nên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn, gây thủng ruột, nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi xuất hiện đau bụng từng cơn, có thể có buồn nôn hoặc nôn, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bách – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Ý kiến bạn đọc