CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG HI SINH THẦM LẶNG TRONG KHU ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN COVID-19

Ngày 12 / 01 / 2022
|
Tin tức

Những ngày qua, tỉnh Lạng Sơn cũng như nhiều địa phương trên cả nước lại gồng mình chống dịch. Cuộc chiến chống Covid -19 đã lấy đi sức người, sức của, mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng của biết bao người. Trong guồng quay của cuộc chiến cam go này, khó có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được những nhọc nhằn, gian nan, vất vả của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là cán bộ, nhân viên ngành y tế. Sự hy sinh thầm lặng của những “Chiến sỹ áo trắng” thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Trước đại dịch, họ phải gác lại chuyện gia đình, bỏ lại những đứa con thơ vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sự an nguy của người bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thanh Thúy nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu cách ly BVĐK đã gần một tháng nay. Là nhân viên y tế, chị Thúy không có nhiều thời gian cho gia đình, chồng chị là chiến sĩ công an cũng thường xuyên làm nhiệm vụ xa nhà, mọi công việc gia đình chị Thúy đều nhờ bố mẹ đẻ lo toan, hai con trai của chị, cháu lớn 6 tuổi và cháu nhỏ 4 tuổi đều do ông bà ngoại chăm sóc. Nhớ mẹ, con trai lớn của chị Thúy đã viết thư gửi vào khu cách ly, những dòng chữ chứa đầy tình yêu thương và cả sự động viên mẹ sớm hoàn thành nhiệm vụ để về nhà với các con. Chị Thúy chia sẻ: “rất thương và nhớ các con nhưng tôi cũng như rất nhiều các bác sĩ, điều dưỡng đang làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 đều xác định nhiệm vụ chống dịch, cứu chữa người bệnh là quan trọng hơn cả nên đành tạm gác lại công việc gia đình, cố gắng chăm sóc cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh, mong dịch bệnh sớm qua đi để trở về với các con”.

Con trai chị Thúy viết thư động viên mẹ sớm hoàn thành nhiệm vụ để về nhà với các con

Hiện nay, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 BVĐK đang điều trị cho gần 400 bệnh nhân. Trong đó, có những bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý nền và nhiều trẻ em chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đây là những đối tượng cần được điều trị, chăm sóc đặc biệt, đòi hỏi nhân viên y tế phải vừa theo dõi sát sao, điều trị hiệu quả đồng thời quan tâm, động viên người bệnh, coi người bệnh như người thân mới giúp họ vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng bệnh tật.

Nếu như một số ngành nghề khác, khi xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm như SARS, COVID-19... họ được khuyến cáo tránh xa những nơi có nguy cơ cao lây bệnh, họ chủ động phòng tránh, thậm chí được nghỉ để phòng dịch. Nhưng nhân viên y tế thì không. Những “chiến sĩ áo trắng” phải đối mặt với dịch bệnh, phải lao vào tâm dịch, phải trực tiếp chăm sóc và cứu chữa cho người bệnh. Dẫu biết là hiểm nguy, thậm chí có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình nhưng vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm mang trên vai, họ vẫn sẵn sàng lao vào để cứu chữa người bệnh. Là bác sĩ chuyên khoa hồi sức, anh Đỗ Quang Hiếu đã nhiều lần xung phong đi chống dịch tại các huyện, điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, với anh niềm vui và sự động viên lớn nhất là được thấy người bệnh hồi phục, sớm trở về cuộc sống bình thường: “Điều trị bệnh nhân Covid-19 là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vất vả. Đặc biệt là với những bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh lý nền thì chúng tôi phải làm việc với cường độ công việc cao hơn rất nhiều do phải theo dõi sát sao, thường xuyên hội chẩn để đưa ra hướng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân Covid-19 nặng thường ăn uống rất kém nên vừa phải chăm sóc kỹ càng, bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh đồng thời quan trọng nhất là phải thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần người bệnh cố gắng vượt qua thì công tác điều trị mới đem lại hiệu quả”.

Bệnh nhân cao tuổi và trẻ em là những đối tượng được chăm sóc, điều trị đặc biệt

Những ngày gần đây dịch bệnh diễn biến càng thêm phức tạp với nhiều ca bệnh trong cộng đồng, số bệnh nhân Covid-19 tăng lên đã làm gia tăng áp lực đối với nhân viên y tế. Để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, họ đã phải trải qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất trong cuộc đời, quên đi sức khỏe của chính bản thân mình. Đó là những ngày làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ tính từng giây, toàn cơ thể rã rời trong bộ đồ bảo hộ, không dám uống nước vì không thể đi vệ sinh, da sạm đi, mắt thâm quầng… Nhưng họ vẫn luôn kiên cường chiến đấu và chiến đấu vì sự an nguy của người bệnh.

Đằng sau sự cứng rắn, kiên cường ấy là cả một bầu trời tâm sự thầm kín, là những phút yếu lòng rơi lệ, là những hy sinh không lời nào diễn tả. Bởi họ đâu chỉ mang trên vai nhiệm vụ chống dịch. Họ còn là những người con hiếu thảo, là cha mẹ của những đứa trẻ thơ ngây, là trách nhiệm đối với cả gia đình và người thân… Đó là nỗi đau tột cùng khi chẳng thể về tiễn biệt cha, mẹ lần cuối. Đó là nỗi giằng xé tâm can của nữ điều dưỡng – một người mẹ vì làm việc quá áp lực, vất vả mà đã không thể giữ nổi giọt máu đang mang trong mình. Là những giọt nước mắt chực tuôn rơi khi con thơ hỏi nhưng phải ngoảnh mặt quay đi không dám hẹn ngày về. Là nỗi buồn của người mẹ chẳng thể ở bên động viên con trước bước ngoặt cuộc đời, trong kỳ thi quan trọng sắp tới. Họ và gia đình thân yêu của mình đã phải hy sinh những niềm hạnh phúc vốn có của bản thân vì cuộc chiến không tiếng súng này. Những nỗi niềm nặng trĩu, những hy sinh thầm lặng ấy chỉ người trong cuộc mới hiểu. Tất cả những nỗi niềm ấy được họ - những người chiến sĩ áo trắng của nhân dân gói ghém và giấu kín trong tim, để tiếp tục kiên cường đứng vững trong cuộc chiến Covid chưa biết ngày nào kết thúc.

Bởi dịch bệnh, những người thân của các bác sĩ, điều dưỡng nơi quê nhà buộc phải trở thành “hậu phương” vững chắc. Và hơn ai hết, chính những đứa con thân yêu của các y bác sĩ ấy sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Vì Covid, những đứa trẻ thơ không được ăn bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày, không được cha ân cần hỏi han, không được nghe truyện kể mỗi đêm, không được cha mẹ ở bên chăm sóc lúc ốm đau… Bởi dịch bệnh, niềm hạnh phúc giản đơn của con trẻ vô tình bị cướp đi. Rồi thay vì ngây thơ, vô lo vô nghĩ, giờ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi đã “trưởng thành” hơn, thay cha mẹ chăm sóc em, quán xuyến việc nhà… để bố mẹ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ để sớm ngày trở về.

Không ngại khó, không ngại khổ, không ngại vất vả, không biết đến thứ bảy, chủ nhật hay những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, vượt lên hiểm nguy, những “Chiến binh áo trắng” vẫn hàng ngày khoác trên mình bộ đồ bảo hộ đến từng phòng bệnh thăm khám, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Dù nắng nóng hay những ngày giá rét thì đằng sau những lớp khẩu trang in hằn trên mặt ấy là những ánh mắt trìu mến, là sự hy sinh, là tình yêu thương và trách nhiệm với người dân và với công việc mình đã lựa chọn. Tất cả đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sự cảm mến trong lòng mỗi người dân. "Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi phải trải qua những tháng ngày chiến đấu không mệt mỏi. Nhiều hôm làm việc xuyên, không kể ngày hay đêm, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc,... Mặc dù vậy, chúng tôi hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của người bệnh trong thời gian cách ly, điều trị nên luôn cố gắng động viên người bệnh, giúp người bệnh giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt. Vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi vừa phải trở thành người thân, người con, người cháu, người bạn của bệnh nhân rồi lắng nghe tâm tư, tình cảm, hỗ trợ tối đa cho người bệnh để họ yên tâm điều trị. Được nhìn người bệnh hồi phục từng ngày, khỏi bệnh, trở về cuộc sống thường ngày, được nhận những lời cảm ơn chân thành của bệnh nhân chính là nguồn động viên lớn nhất của chúng tôi.” - Điều dưỡng Vi Thị Nhị chia sẻ.

 Bệnh nhân Covid-19 điều trị khỏi bệnh ra viện đã gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ điều dưỡng

Không khí mùa xuân đang đến rất gần, chúng ta sẽ lại có những phút giây đầm ấm, sum họp bên gia đình, nhưng nhân viên y tế - những “chiến sĩ áo trắng” không có Tết, họ vẫn tiếp tục miệt mài với những công việc thầm lặng nhưng rất lớn lao, vì sức khỏe và sự an nguy của người bệnh, vì sự bình yên của nhân dân.

Trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn còn nhiều những hy sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời, nhưng vượt qua tất cả, các “chiến sĩ áo trắng” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin trong cộng đồng, sẽ tiếp tục cùng ngành y tế nỗ lực, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ý kiến bạn đọc