CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NGĂN NGỪA MẤT THỊ LỰC DO BỆNH GLÔCÔM

Ngày 12 / 03 / 2025
|
Tin tức

Bệnh glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh.

Từ đầu năm đến nay, tại khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đã tiếp nhận và điều trị cho 06 bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm. Hầu hết, các bệnh nhân đều có các triệu chứng: đau đầu, buồn nôn, mất thị lực và thị trường. Sau một thời gian điều trị, các bệnh nhân đều giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, mất thị lực hoàn toàn do tổn thương thị thần kinh không thể hồi phục.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh Glôcôm. Các nhà nghiên cứu cho rằng căn bệnh này có mối liên hệ với sự gia tăng áp lực trong mắt và sự giảm lưu lượng máu tuần hoàn nuôi dây thần kinh thị giác. Đây có khả năng là tình trạng bẩm sinh hoặc do mắt bị tổn thương.

Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, Glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.

– Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.

– Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.

– Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.

– Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh Glôcôm kèm theo hay không.

Ngoài ra, người mắc bệnh Glôcôm có thể có thêm một số triệu chứng như:

– Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt.

– Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động.

– Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần.

– Đau nhức hốc mắt.

– Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm.

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc hạ nhãn áp trong giai đoạn glôcôm sớm, laser hoặc phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp, nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương dây thần kinh thị giác, phòng tránh mù lòa.

Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng nên bệnh khó phòng ngừa. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh glôcôm, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với người bình thường khi có những biểu hiện như: Đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, nhìn mờ, quầng xanh đỏ... cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị đúng. Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ. Cần đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện bệnh sớm.

Ý kiến bạn đọc