CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

THẬN TRỌNG KHI TRUYỀN DỊCH

Ngày 09 / 04 / 2019
|
Y học thường thức

Dịch truyền là những dung dịch thuốc vô khuẩn dùng để tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn. Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần hoạt chất ở những nồng độ khác nhau.

Vì sao phải truyền dịch?

Dịch truyền là những dung dịch thuốc vô khuẩn dùng để tiêm truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch với khối lượng lớn. Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần hoạt chất ở những nồng độ khác nhau, có thể ở dạng ưu trương hoặc đẳng trương với các chất tương ứng có trong máu. Một số dạng dịch truyền có khá đầy đủ các vi chất và được dùng thay thế huyết tương hoặc bổ sung vitamin, acid amin trong một số trường hợp cần thiết cung cấp chất dinh dưỡng trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn hoặc hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hoá. Khi hàm lượng glucose hoặc các chất điện giải trong máu thấp hơn mức cho phép, thầy thuốc sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch hay không. Trong một số trường hợp phải truyền dịch ngay cho bệnh nhân như khi người bệnh bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật...

Đó là do tác dụng quan trọng của dịch truyền khi sử dụng đúng chủng loại, đúng lúc, đúng quy định và có sự theo dõi giám sát chặt chẽ nhằm mục đích để nâng huyết áp cơ thể, cân bằng các chất điện giải khi người bệnh bị mất máu, mất nước do chấn thương, tai nạn, do phẫu thuật, do tiêu chảy, nôn mửa kéo dài, do bị bỏng, do các trường hợp bị mất nhiều mồ hôi trong điều kiện quá nóng bức... Truyền dịch khi cần thiết còn có tác dụng giải các chất độc trong cơ thể khi bị ngộ độc do thuốc, ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn cấp tính, giúp tăng bài tiết nước tiểu. Một số dạng dung dịch tiêm truyền còn dùng làm dung môi hòa tan một số thuốc tiêm, nhất là thuốc kháng sinh. Tùy theo tình trạng cơ thể bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ cho truyền loại dịch nào.

Những nguy cơ chết người khi truyền dịch

Khi truyền dịch cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ (SPV). Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi tiêm. Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39 - 40oC hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã... Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ tử vong rất nhanh.

Nguyên nhân gây SPV do có chất gây sốt (chí nhiệt tố) trong dịch truyền, hoặc do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh. Đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc. Dù nguyên nhân nào cũng phải ngừng tiêm truyền ngay và dùng thuốc cấp cứu sốc phản vệ theo quy định của ngành y tế. Chính vì tai biến nguy hiểm này mà cần cảnh báo đến tất cả mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thực sự cần thiết còn đưa đến những nguy hiểm khôn lường như nhiễm trùng máu, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là với người vốn có bệnh tim mạch). Khi đưa vào cơ thể một lượng không cần thiết dịch truyền dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải khiến người bệnh mệt mỏi, nôn nao, tăng nhịp tim bất thường. Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hoá, khiến thức ăn hấp thu kém, gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng.

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền như chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực... Đối với trường hợp nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể lại bị mất nước ưu trương, sẽ bị teo tế bào não rất nguy hiểm.

Thận trọng khi truyền dịch

Hiện nay đã có nhiều tai biến do truyền dịch gây ra, nhất là khi truyền dịch với mục đích bồi bổ cơ thể, đẹp da, bù nước... Nhiều thầy thuốc cũng rất sính dùng các loại đạm thủy phân (acid amin, lipofuldin), các loại dịch truyền bổ sung vitamin (vitaplex) để truyền cho bệnh nhân, vừa tốn tiền và nhiều khi không cần thiết. Điều cần cảnh báo là truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế rất thông dụng, có thể thực hiện tại các trạm y tế, nhưng không an toàn tuyệt đối như nhiều người lầm tưởng.

Trái lại, nó có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C là rất cao qua con đường truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Cần rất thận trọng đối với bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải. Việc truyền dịch để hạ sốt trẻ em cần phải cân nhắc kỹ. Trước khi truyền dịch, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Nếu người bệnh bị mất nước mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất bổ sung bằng đường ăn uống những thức ăn mềm, có nước như súp, cháo, sữa, nước hoa quả, oresol, vitamin C (sủi)...

Vì thế, tuy dịch truyền và truyền dịch là một thủ thuật cấp cứu khá phổ biến nhưng cũng cần phải rất thận trọng và chỉ được thực hiện ở cơ sở y tế đủ điều kiện, được phép và do bác sĩ chỉ định liều lượng truyền, tốc độ truyền cho phù hợp để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

 

Theo Sức khỏe và đời sống

Ý kiến bạn đọc