CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

SỐT XUẤT HUYẾT VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI CHỮA TRỊ

Ngày 08 / 04 / 2019
|
Y học thường thức

Hàng năm, cứ vào mùa mưa ẩm (tháng 4 - tháng 11) là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát. Khoảng thời gian đỉnh điểm của dịch (tháng 7 - tháng 10).

Hàng năm, cứ vào mùa mưa ẩm (tháng 4 - tháng 11) là dịch sốt xuất huyết lại bùng phát. Khoảng thời gian đỉnh điểm của dịch (tháng 7 - tháng 10), khoa truyền nhiễm của hầu hết các bệnh viện đều trở nên quá tải vì số ca nhập viện tăng vọt. Đây là một bệnh lý đã có phác đồ điều trị rõ ràng, song do chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà không đúng cách nên tỉ lệ bệnh nhân nhập viện quá muộn dẫn tới tử vong khá cao.

Hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là tên gọi bệnh lý do virut Dengue gây ra. Bệnh lây lan qua vector truyền nhiễm chính là muỗi vằn Aedes aegypti, một phần nhỏ do loài muỗi cùng họ Aedes albopictus. Trong vòng 4-5 ngày, tối đa 12 ngày sau khi bị muỗi mang virut đốt, bệnh nhân biểu hiện những triệu chứng đầu tiên. Thông thường, triệu chứng bệnh nhân gặp phải bao gồm: sốt cao đột ngột (39- 400C), đau đầu dữ dội, đặc biệt đau sau hố mắt, đau cơ, khớp, kèm theo đó là buồn nôn, nôn, sưng hạch. Những triệu chứng này không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng khi nhiễm nhiều loài virut khác.

Sau thời điểm bắt đầu có cơn sốt 2-3 ngày, bệnh nhân có thể có dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Xuất huyết ngoài da (nốt, chấm, mảng xuất huyết), chảy máu chân răng, chảy máu cam... chỉ là những dấu hiệu xuất huyết nhẹ. Có một cách đơn giản để phân biệt nốt xuất huyết với nốt muỗi đốt là dùng hai ngón tay kéo căng vùng da có nốt. Nốt xuất huyết sẽ không bị mất đi, trong khi nốt muỗi đốt sẽ biến mất và xuất hiện lại khi buông ngón tay. Xuất huyết tạng cùng với những biểu hiện của hội chứng sốc, trụy tim mạch cho thấy dấu hiệu tăng nặng của bệnh như: đau bụng, đau tức vùng gan, nôn mửa liên tục, nôn ra máu, tiểu ra máu, đi ngoài phân đen, chân tay lạnh, người vật vã, hoảng hốt... nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Do virut Dengue có 4 chủng là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4, không tạo được miễn dịch chéo, nên trong đời, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vì người mắc bệnh chỉ có miễn dịch với chủng virut mình đã mắc mà không được đề kháng với 3 chủng còn lại.

Một số lưu ý khi điều trị

Hiện tại, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh sốt xuất huyết vẫn là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

Người bị sốt xuất huyết nhẹ có thể nghỉ ngơi và được chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân nên ăn các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, bù nước, điện giải bằng đường uống từ nước đun sôi, sữa, dung dịch oresol, nước trái cây... Người nhà cần chú ý chăm sóc, theo dõi bệnh nhân lúc sốt cao và ngay khi có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết hoặc diễn biến tăng nặng của bệnh phải kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Thuốc hạ sốt an toàn nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết là paracetamol dạng đơn độc, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Liều dùng thông thường là từ 325- 650mg, cứ 4- 6 giờ một lần, không quá 4g một ngày. Liều tương đối theo lứa tuổi như sau: trẻ em < 3 tháng tuổi: 40mg; trẻ 4-11 tháng tuổi: 80mg; trẻ 1- 2 tuổi: 120mg; trẻ 2- 3 tuổi: 160mg; trẻ 4- 5 tuổi: 240mg; trẻ 6- 8 tuổi: 320mg; trẻ 9-10 tuổi: 400mg; trẻ 11 tuổi: 480mg (trung bình 10-15mg/kg thể trọng). Những thuốc giảm đau hạ sốt nhóm giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) khác như ibuprofen, naproxen, diclofenac, acid mefenamic, aspirin... do có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, khi uống gây nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết tạng nặng hơn nên không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Việc dùng kháng sinh với bệnh nhân sốt xuất huyết là điều hoàn toàn không cần thiết. Lý do bởi sốt xuất huyết là bệnh do virut gây ra, trong khi các kháng sinh chỉ có tác dụng kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn. Dùng kháng sinh không đúng cách ở bệnh nhân sốt xuất huyết thậm chí có thể làm tăng độc tính trên gan, thận, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng người bệnh.

Một điều cần lưu ý khác nữa là không nên cạo gió cho bệnh nhân theo phương pháp dân gian vì cạo gió dùng lực và dầu nóng làm tổn thương cơ và giãn mạch sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân do có thể làm cho tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn.

 

Theo Sức khỏe và đời sống

Ý kiến bạn đọc