CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GLÔCÔM

Ngày 18 / 03 / 2019
|
Y học thường thức

Bệnh glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh.

Ai dễ mắc bệnh glôcôm?

Bình thường trong mắt luôn có sự cân bằng giữa lượng dịch (thủy dịch) được tiết ra từ thể mi và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài qua một bộ phận gọi là vùng bè. Khi đường dẫn lưu ra ngoài bị cản trở sẽ gây ra tăng áp lực trong mắt và gây tổn hại lên dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh glôcôm. Những người trên 40 tuổi; tiền sử gia đình có người bị glôcôm; người có cấu trúc giải phẫu thuận lợi: viễn thị cao, góc tiền phòng hẹp; người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, cận thị, người bị chấn thương mắt hoặc đã một lần phẫu thuật các bệnh về mắt,... là những người có nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh

Bệnh glôcôm có 2 dạng: glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Bệnh glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cơ năng rầm rộ như: nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Tuy nhiên, bệnh glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm gọi là glôcôm góc đóng mạn tính. Ngược lại với glôcôm góc đóng, bệnh glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (co hẹp từ ngoại biên, hoặc mất một vùng nhìn ở trung tâm).

Người bệnh có thể tự phát hiện sớm được bệnh glôcôm hay không?

Glôcôm là bệnh lý có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân không thể tự nhận biết được bệnh. Để chẩn đoán cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), kiểm tra thị trường và soi đáy mắt...

Khám mắt để phát hiện sớm bệnh glôcôm

Phương pháp điều trị

Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc hạ nhãn áp trong giai đoạn glôcôm sớm, laser hoặc phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp, nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương dây thần kinh thị giác, phòng tránh mù lòa.

Cách phòng bệnh

Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng nên bệnh khó phòng ngừa. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh glôcôm, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với người bình thường khi có những biểu hiện như: Đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, nhìn mờ, quầng xanh đỏ... cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị đúng. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của bác sĩ. Cần đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện bệnh sớm.

 

Theo Sức khỏe và đời sống

Ý kiến bạn đọc