CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH XỬ TRÍ ĐỘT QUỴ

Ngày 14 / 12 / 2020
|
Y học thường thức

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Đột quỵ để lại nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân người bệnh, trở thành gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Do vậy, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt, nhất là trong “thời gian vàng” (3 – 6 giờ đầu khi có dấu hiệu bệnh).

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, gây gián đoạn việc vận chuyển máu để nuôi dưỡng não bộ. Khiến các tế bào thiếu hụt dinh dưỡng, oxy; các tế bào sẽ chết đi sau vài phút nếu vấn đề thiếu hụt này không được khắc phục.

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết:

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.

- Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.

Nguyên nhân gây đột quỵ

- Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.

- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới

- Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

- Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.

- Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

- Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường

- Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

- Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.

- Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch,làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

- Hút thuốc: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.

- Lối sống không lành mạnh: ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu...

Hậu quả của đột quỵ

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với con số khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm; tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, có hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Trung bình 6 người có một người bị đột quỵ, nếu như không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, có tỷ lệ từ 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.

Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ:

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Khi người bệnh có các dấu hiệu này, nên nghĩ ngay đến đột quỵ. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu, để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị.

Cấp cứu đột quỵ như thế nào?

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.

- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đờm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.

- Không tự ý cho uống thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Ý kiến bạn đọc