CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ngày 26 / 07 / 2019
|
Y học thường thức

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý ác tính thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi, đứng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Vi rút gây u nhú (sùi mào gà) HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến UTCTC. Trung bình mỗi năm, UTCTC ảnh hưởng đến hơn 500.000 phụ nữ và dẫn đến hơn 270.000 ca tử vong. UTCTC là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ UTCTC

- Quan hệ tình dục sớm (dưới 17 tuổi).

- Quan hệ tình dục với nhiều người.

- Sinh con sớm và sinh nhiều con.

- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.

- Viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục.

- Điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp

- Hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV)…

Một số triệu chứng chẩn đoán UTCTC:

- Ra máu âm đạo bất thường

- Ra dịch nhầy âm đạo màu vàng, hoặc lẫn máu, có mùi khó chịu.

- Triệu chứng chèn ép: đau hông, đau thắt lưng, phù chân.

- Xâm lấn bàng quang: đái máu

- Xâm lấn trực tràng: đi ngoài ra máu

- Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, gầy sút, thiếu máu

Sàng lọc ung thư cổ tử cung:

Khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm sàng lọc UTCTC giúp phát hiện bệnh giai đoạn sớm và tăng khả năng điều trị khỏi, tiết kiệm chi phí. Hiện nay có nhiều kỹ thuật sàng lọc UTCTC góp phần chẩn đoán chính xác giai đoạn sớm UTCTC.

Xét nghiệm tế bào có độ chính xác cao trong phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Xét nghiệm HPV có thể phát hiện các type HPV có nguy cơ cao sinh ung thư. Việc phối hợp hai xét nghiệm trên giúp có kế hoạch theo dõi tốt, giảm thiểu chi phí và thời gian thăm khám. Các xét nghiệm này có thể thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện.

Dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung :

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Tiêm vắc-xin HPV là biện pháp dự phòng chủ động nhằm phòng ngừa lây nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, từ đó phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Vắc xin phòng HPV được tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 - 26 tuổi, dù đã từng có quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.

Tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 - 65 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm UTCTC 1 lần/năm. Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên hoặc đã có hoạt động tình dục nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm UTCTC.

 

Bác sỹ Lý Hoàng Hạnh – Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân

 

Ý kiến bạn đọc