CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

ĐỐI PHÓ VỚI CHỨNG SUY NHƯỢC THẦN KINH

Ngày 05 / 06 / 2019
|
Y học thường thức

Suy nhược thần kinh là một bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Tại nước ta, bệnh suy nhược thần kinh có tỷ lệ gia tăng và hiện tại số người bị suy nhược thần kinh chiếm từ 3 - 4% số dân.

Các triệu chứng suy nhược thần kinh

Trạng thái kích thích suy nhược: Nguyên nhân sâu xa của một số suy yếu về quá trình ức chế, tức là bệnh nhân đang ở trạng thái hưng phấn lan tỏa. Biểu hiện của trạng thái này là bệnh nhân dễ bị kích thích, dễ cáu kỉnh, dễ nhạy cảm với các kích thích, thông thường khó tập trung, khó nhớ. Ngoài ra, bất kì một kích thích nhỏ nào cũng làm cho người bệnh khó chịu, ví dụ như tiếng nói chuyện to, tiếng cười, tiếng ồn ngoài phố, tiếng động của các đồ vật rơi... tất cả những âm thanh trên đều có thể làm cho người bệnh thấy bực mình. Sự kích thích có thể bắt đầu và cũng có thể kết thúc nhanh bằng phản ứng suy nhược, chóng mặt mệt mỏi hay có thể hưng phấn làm việc hăng hái trong một thời gian, nhưng sau đó lại bị suy nhược kéo dài. Những người bị mắc chứng suy nhược thần kinh thường thiếu kiên nhẫn, hay phản ứng quá mức, hay nôn nóng, hay bỏ cuộc. Người bệnh sẽ hay gặp phải những triệu chứng như đau đầu, kích thích suy nhược, tức ngực, khó thở, tê tay chân, giảm tình dục... Nếu để bệnh lâu ngày và không sớm điều trị thì người bệnh có thể bị tổn thương thực thể.

Đau đầu: Người bị suy nhược thần kinh thường bị đau đầu âm ỉ, đau toàn bộ vùng trán, vùng đỉnh đầu hay vùng thái dương. Thời điểm xuất hiện đau đầu là tùy từng bệnh nhân, có người sẽ bị đau cả ngày nhưng cũng có người chỉ bị đau vài giờ. Sau một thời gian, tình trạng nhức đầu sẽ tăng lên khi bị xúc động, mệt mỏi và được giảm khi người bệnh thoải mái và có thể ngủ tốt.

Mất ngủ: là triệu chứng thường thấy khi bị suy nhược thần kinh, thường không ngủ sâu giấc, hay bị mơ và có thể nằm mãi không ngủ được, hay trằn trọc nóng lòng chờ đợi giấc ngủ vì thế càng mất ngủ. Các tác nhân gây kích thích như ánh sáng, tiếng động cũng có thể gây ra hiện tượng khó ngủ ở những người bị mắc chứng này. Ban ngày, những người bệnh cảm thấy rất buồn ngủ, hay ngủ gà nhưng đến khi lên giường nằm lại không thể nào ngủ được.

Triệu chứng cơ thể và thần kinh: Các bệnh nhân mắc chứng suy nhược thần kinh thường bị đau cột sống, buốt xương sống và đau thắt lưng, mỏi cổ. Hay bị rối loạn cảm giác, hoa mắt chóng mặt, giác quan và nội tạng, rung chân tay, run lưỡi,...

Rối loạn thần kinh thực vật nội tạng đa dạng: Những người bị mắc chứng suy nhược thần kinh thì mạch đập không ổn định, lúc thì chậm, lúc thì nhanh. Huyết áp thường xuyên không ổn định, hay đánh trống nhực, đau vùng tim, thân nhiệt tăng hoặc giảm bất thường, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,...

Triệu chứng tâm thần: Những người này sẽ có thêm những biểu hiện như cảm xúc không ổn định, dễ xúc động, dễ hồi hộp, lo lắng, khí sắc hô trầm và khả năng tập trung, chú ý kém, giảm sút vì trí nhớ nên khả năng học tập và công tác đều bị hạn chế.

Đi tìm nguyên nhân

Suy nhược thần kinh là hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng, do những rối loạn chức năng vỏ não và một số trung khu dưới vỏ gây nên. Bệnh được xác định là do căn nguyên tâm lý gây nên (nên còn gọi là bệnh tâm căn suy nhược). Cơ chế phát sinh suy nhược thần kinh rất phức tạp. Bệnh lý chủ yếu là rối loạn liên hệ lưới - vỏ não. Do đó các dòng xung đột từ bên ngoài vào không được sàng lọc qua tổ chức lưới thân não dồn cả lên vỏ não. Vì thế vỏ não không chịu đựng nổi dẫn đến sự suy yếu ức chế, suy yếu quá trình hưng phấn và cuối cùng hậu quả của sự quá căng thẳng quá trình thần kinh tâm thần trong vỏ não đi đến sự ức chế giới hạn. Suy nhược thần kinh là một bệnh phổ biến hiện nay mà nhiều người gọi nó là căn bệnh của thời đại, như: người ta lo toan tính toán mất quá nhiều thời gian vào công việc để làm sao kiếm nhiều tiền, rất ít thời gian để nghỉ ngơi giải trí, mất đi sự thanh nhàn, thêm vào đó có quá nhiều sang chấn tâm lý (stress), đó là yếu tố thuận lợi để cho bệnh phát sinh, phát triển. Bệnh gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở chân tay, ở thành thị lớn hơn ở nông thôn, nam chiếm nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp 30-50 tuổi.

Do những nhân tố gây chấn thương tâm thần tác động trên người bệnh, kéo dài, dẫn đến suy nhược thần kinh. Căn nguyên tâm lý (chấn thương tâm thần, stress) rất đa dạng cấp tính hay mạn tính như: tranh chấp quyền lợi, thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn và bất hòa với tập thể, bị oan, gia đình bất hòa, con cái hư hỏng, mất người thân, phá sản... Thường là nhiều sang chấn tích lại, cường độ trường diễn, làm cho người bị sang chấn luôn ở trạng thái lo âu, áy náy, căng thẳng nội tâm. Tình trạng đó không tìm ra được phương hướng giải quyết, khiến người bệnh luôn ở trạng thái tự kiềm chế, ức chế khiến bệnh phát sinh.

Bệnh suy nhược thần kinh thường xuất hiện từ từ sau một thời gian sang chấn và biểu hiện rõ khi gặp thêm một nhân tố thúc đẩy. Các nhân tố đó là: người có thần kinh yếu, lao động trí óc quá mức, quá mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng, nơi sống và nơi làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, điều kiện làm việc phức tạp, mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính: viêm túi mật, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng; những bệnh nhiễm độc mạn tính: nhiễm độc rượu, thiếu dinh dưỡng kéo dài, kiệt sức...

Biện pháp phòng ngừa suy nhược thần kinh

Nguyên nhân của bệnh phần lớn là do áp lực tinh thần, vì vậy để phòng bệnh cần giải quyết vấn đề tinh thần trước. Muốn loại bỏ sự mệt mỏi do suy nhược thần kinh, phải bắt đầu từ vấn đề điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần.

Bệnh thần kinh suy nhược có thể chữa khỏi và phòng ngừa được. Người bệnh suy nhược thần kinh cần chú ý đến những điểm sau đây: Xây dựng mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể; tránh các chấn thương tâm thần mạn tính. Khắc phục các tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Phối hợp hài hòa giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa lao động với nghỉ ngơi giải trí. Nên tránh tiếng ồn, tiếng động trong khi làm việc cũng như ở môi trường sống, luôn tin tưởng lạc quan và tự tạo cho mình niềm vui trong công việc và cuộc sống; Đảm bảo giấc ngủ tốt, rèn luyện thân thể thường xuyên, phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thực thể...

 

Theo Sức khỏe và đời sống

 

Ý kiến bạn đọc