CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN SỚM ĐỂ TRÁNH CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Ngày 31 / 12 / 2020
|
Tin tức

Đau mỏi thắt lưng, tiểu ít, mệt mỏi trong thời gian dài nhưng không đi khám, bệnh nhân bị sỏi thận gây tắc nghẽn, suy giảm chức năng thận dẫn đến suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo cả đời.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bệnh nhân nam (63 tuổi ở huyện Lộc Bình) với chẩn đoán sỏi thận, suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo. Trước đó, bệnh nhân có dấu hiệu đau mỏi thắt lưng, tiểu ít trong thời gian dài nhưng không đi khám. Đến khi có các dấu hiệu đau nặng, mệt mỏi, người nhà mới đưa đến bệnh viện. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ứ nước thận 2 bên do sỏi thận, sỏi niệu quản gây tắc nghẽn và đã tiến hành phẫu thuật tán sỏi nội soi, nong niệu quản hẹp hai bên, đặt dẫn lưu. Tuy nhiên do 2 thận bị ứ nước trong thời gian dài nên chức năng thận đã suy giảm, dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh phải chạy thận nhân tạo, lọc máu suốt đời.

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận thân tạo, lọc máu suốt đời

Theo Bác sĩ CK II Phan Chí Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu BVĐK: Sỏi thận hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành sỏi đường tiết niệu như: dị dạng đường tiết niệu; nhiễm trùng tiết niệu; uống ít nước; chế độ ăn uống không khoa học, khẩu phần ăn có quá nhiều oxalate, calci; yếu tố di truyền… Sỏi thận nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tắc đường tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; viêm quanh thận xơ hóa; suy thận...

Dấu hiệu nhận biết sỏi thận là những cơn đau âm ỉ vùng hố thắt lưng hoặc hai bên hông, đôi khi có thể có những cơn đau nhói, quặn thắt, bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu như đi tiểu ra máu, tiểu buốt, sốt, mệt mỏi…

Khi có những dấu hiệu bệnh, người bệnh không nên tự điều trị, không tự uống thuốc nam, mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp. Đặc biệt, người dân chú ý đi khám sức khỏe định kỳ và nên khám cả chuyên khoa thận - tiết niệu để phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh sỏi thận, tránh các biến chứng của bệnh.

Để phòng bệnh sỏi thận và tránh bệnh tái phát, cần uống đủ nước hằng ngày (trên 2 lít/ngày), tăng cường vận động, tập thể dục để tránh sự lắng đọng của tinh thể muối khoáng; nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi tươi; nên ăn nhiều rau tươi giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận. Cần hạn chế thực phẩm giàu protein (dưới 200g protein/ngày), thực phẩm giàu oxalate (như củ dền, đậu bắp, rau chân vịt, các loại hạt, trà, chocolate, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành); xây dựng chế độ ăn ít muối và tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm…

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu như nội soi tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi bằng ống soi mềm,… giúp điều trị sỏi triệt để, an toàn, sức khỏe người bệnh phục hồi nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.

Ý kiến bạn đọc