CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NHẬN BIẾT VÀ ĐỀ PHÒNG NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA CÚM A

Ngày 21 / 07 / 2022
|
Tin tức

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có sự gia tăng bất thường. Tính từ đầu tháng 6/2022 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc cúm A, trong khi cùng thời điểm này vào các năm trước đây hầu như không có bệnh nhân mắc cúm A đến khám và điều trị. Bệnh nhân mắc cúm A đa phần lành tính có thể khỏi trong vòng một tuần, tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện, điều trị sớm và đúng cách có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng.

Cúm A là gì?

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus Cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này.

Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.

Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh hoặc đôi khi người ta có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Triệu chứng khi mắc cúm A

Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng…

Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40oC, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và biến chứng khác.

Đa số những trẻ mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.

Cách điều trị cúm A

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh cúm A. Tuy vậy, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng. Lưu ý những loại thuốc, vitamin này cần được kê đơn từ bác sĩ, tránh trường hợp tự ý mua thuốc, đặc biệt là không được sử dụng aspirin, dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm phục hồi sức khỏe nhanh hơn như:

- Tự cách ly để hạn chế lây nhiễm lan rộng.

- Nghỉ ngơi, thư giãn trong môi trường sạch sẽ, an toàn.

- Bổ sung nhiều nước.

- Ăn đủ dinh dưỡng, ăn các ăn các thức ăn lỏng và dễ hấp thu để bù nước do mất nước khi sốt.

- Rửa tay sạch thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, ở nơi đông người. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khủy tay hoặc giấy ăn để tránh lây nhiễm.

Những biến chứng do cúm A gây ra

Hầu hết người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính.

- Biến chứng viêm phổi thường gặp ở trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

- Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.

- Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.

- Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.

- Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.

Vì vậy, nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Cách phòng bệnh Cúm A

- Để phòng bệnh cúm cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.

- Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang.

- Đặc biệt người nghi là bị cúm hoặc đã xác định mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang khi có tiếp xúc với người khác hoặc lúc ra khỏi nhà.

- Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…

- Tiêm vắc xin phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

- Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng, đặc biệt cho trẻ em thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất... theo lứa tuổi và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. 

- Người lớn và người cao tuổi nên tập thể dục phù hợp thường xuyên để nâng cao đề kháng.

Ý kiến bạn đọc