CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ NHỎ

Ngày 10 / 10 / 2018
|
Y học thường thức

Tai nạn thương tích ở trẻ em để lại nhiều hậu quả nặng nề, cả về thể chất và tinh thần, khiến các em mất đi những cơ hội trong học tập cũng như cuộc sống.  

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận trường hợp bé trai Lạc Quốc M (4 tuổi, địa chỉ Tân Thành, Cao Lộc, Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng tay phải chảy nhiều máu, vết thương dập nát phần đầu 3 ngón tay II, III, IV. Khi thấy mẹ cho chuối vào máy thái, cháu M đã làm theo và bị tai nạn. Bác sĩ chẩn đoán M bị tổn thương phần mềm đốt 3 ngón II, IV, vết thương dập nát đốt 3 ngón III. Do tổn thương nặng nên phải phẫu thuật cắt bỏ đốt 3 của ngón II và III tay phải cháu bé.

Bé Lạc Quốc M mất đốt ngón tay cho tai nạn máy thái rau

Từ đầu năm đến nay, BVĐK tiếp nhận 84 trường hợp trẻ bị bỏng, 15 trường hợp trẻ bị tai nạn máy cắt, và một số trường hợp tai nạn khác. Các tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ là tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc, ngã, bỏng, súc vật cắn hoặc bị thương bởi các vật sắc nhọn… Nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề, gây thương tật vĩnh viễn, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các bậc phụ huynh, người trông giữ trẻ cần thực hiện các biện pháp:

Đối với tai nạn đuối nước: Chỉ đưa trẻ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát; Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để lu nước, thùng nước, nếu có thì nên đậy nắp thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Các gia đình có hồ bơi nên rào kín xung quanh, khóa cửa và có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Nhắc nhở trẻ không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi, để tránh bị ngã. Đối với các công trình xây dựng nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng. Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua các khu vực ngập úng.

Đối với tai nạn thương tích do ngã: Cần đảm bảo các bậc thềm, bậc cầu thang tạo điều kiện cho trẻ đi dễ dàng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà hợp lý, không để vướng đường trẻ hay đi lại. Bọc cạnh, mép nhọn của bàn, ghế, đồ vật bằng các miếng cao su, nhựa. Làm lan can, tay vịn cầu thang, lắp chấn song cửa sổ, làm cửa chắn cầu thang an toàn (độ cao tối thiểu 75cm, chấn song dọc, khoảng cách giữa các song tối đa 15cm). Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… (những nơi sinh họat của trẻ) khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô; không đi chân ướt vào sàn nhà. Không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được. Giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ kỹ năng phòng tránh ngã khi đi vào những khu vực hoặc sử dụng những đồ vật dễ gây ngã. Hướng dẫn và tổ chức cho các em hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh: thăm quan, cắm trại, có sân bóng riêng. Xây dựng môi trường an toàn: Biển báo nguy hiểm, báo cấm (cấm đi, trèo...) ở những nơi cần thiết. Không để cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Đối với tai nạn thương tích do điện giật: Đảm bảo các thiết bị điện trong gia đình đều an toàn, tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà, không dùng dây điện có phích cắm cắm trực tiếp vào ổ cắm. Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến. Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục, không dùng điện để đánh cá, diệt chuột, chống trộm. Hướng dẫn cách phòng điện giật và thao tác kỹ thuật sơ cứu điện giật tại trường học, tại gia đình và nơi làm việc. Giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm. Ghi biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây ra điện giật. Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống, đặc biệt khi trời mưa thì không nên nấp dưới các gốc cây to/cao... Giáo dục trẻ em ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (không trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi, không xây nhà cao gần đường điện cao thế).

Đối với tai nạn thương tích do bỏng: Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp lò phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần.  Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy...). Khi bưng, bê nước nóng, thức ăn mới nấu chín phải chú ý: tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm rửa. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hoá chất như chất tẩy rửa, acid. Không nên cho trẻ dưới 8 tuổi giúp đỡ bố mẹ làm bếp. Hướng dẫn trẻ có kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích do bỏng.     

Ý kiến bạn đọc