CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Ngày 01 / 10 / 2018
|
Y học thường thức

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 9 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Đây là bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay đang vào cuối mùa mưa, nước tù đọng trong các ao hồ lâu ngày tạo điều kiện cho cung quăng phát triển thành muỗi. Trời lạnh dần, muỗi bay vào nhà nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết có thể phát triển thành dịch do vi rút dengue gây ra, xâm nhập cơ thể từ vết đốt của muỗi vằn. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Ban xuất huyết dưới dạng nốt

Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức người, đau khớp. Sốt 39-400C kèm theo đau đầu vùng trán hoặc sau hố mắt, chán ăn, nôn và đau bụng. Sau khi sốt 2-3 ngày, trên da người bệnh có biểu hiện sung huyết và phát ban dát đỏ, hoặc có ban xuất huyết dưới dạng nốt, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Nặng hơn người bệnh có thể bị chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp sạch sẽ xung quanh nơi ở, phát quang bụi rậm, loại bỏ các dụng cụ chứa nước bẩn, thả cá vào dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy, khơi thông cống rãnh, tránh nước tù đọng. Tích cực phối hợp với cơ sở y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt, mắc màn khi ngủ. Khi có biểu hiện bệnh kiểu sốt xuất huyết, cần uống nhiều nước, tốt nhất là loại đa điện giải (oresol) và đến ngay cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị; không mua thuốc tự điều trị tại nhà.

Ý kiến bạn đọc