CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

NGỘ ĐỘC RƯỢU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Ngày 10 / 09 / 2018
|
Y học thường thức

Tình trạng ngộ độc rượu đang có chiều hướng gia tăng do việc sử dụng rượu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân khá phổ biến và tăng mạnh vào các dịp lễ tết. Từ đầu tháng 8/2018 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. Điển hình, có trường hợp bệnh nhân nam 57 tuổi, sau uống nhiều rượu, thấy mệt mỏi, khó thở. Và xuất hiện co giật, suy thận, hôn mê, ngừng tim. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân mới được cứu sống. Một bệnh nhân ở Huyện Lộc Bình, sau uống nhiều rượu cũng có các biểu hiện trên, vào viện khi đã hôn mê và có dấu hiệu ngừng tim, được cấp cứu tích cực nên mới thoát khỏi tử vong. Ngộ độc rượu gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm chậm hoặc ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn, tổn thương gan – thận, hệ thần kinh trung ương,…; có thể gây tử vong nếu bị nặng mà không được xử trí kịp thời.

Ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu là do người bệnh uống quá nhiều rượu trong một khoảng thời gian, uống rượu chứa độc tố (thường là rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm từ các loại rễ và củ chứa chất độc). Người bị mắc bệnh mãn tính, bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,… khi uống rượu cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc.

Có hai loại ngộ độc rượu thường gặp, đó là ngộ độc ethanol (rượu thông thường) và ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Với ngộ độc ethanol ở dạng cấp tính, ban đầu người bệnh có dấu hiệu kích thích như: nói nhiều, mất kiểm soát hành vi, lời nói, đau bụng, nôn mửa,… Còn ở dạng mạn tính do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, đi ngoài do tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hoá gan, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần. Với ngộ độc methanol, là chất độc cực mạnh, chỉ cần uống từ 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, hôn mê, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn chuyển hóa, suy hô hấp cấp tính và tử vong.

Khi có các dấu hiệu ngộ độc rượu, cần cho người bệnh uống nhiều nước, có thể uống nước gừng tươi, nước chè xanh, nước cam để giúp giảm ngộ độc rượu và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Lưu ý không nên cho người bệnh uống các loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Phòng ngừa ngộ độc rượu bằng cách: hạn chế sử dụng rượu; không sử dụng các loại rượu không được phép lưu hành chính thức hoặc uống các loại rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên. Trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi và người đang bị bệnh tuyệt đối không được uống rượu.

Ý kiến bạn đọc