CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

PHÒNG TRÁNH ONG ĐỐT VÀ CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ ONG ĐỐT

Ngày 26 / 09 / 2017
|
Y học thường thức

Từ tháng 7/2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hơn và điều trị cho hơn 10 trường hợp bệnh nhân bị các loại ong gây nhiễm độc đốt như ong vò vẽ, ong đất, ong bắp cày, ong mật… Khi bị đốt, người bệnh sẽ cảm thấy đau buốt, sưng, có thể bị nhiễm độc, thậm chí tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách. Vì vậy, bên cạnh việc phòng ngừa, cần phải biết cách xử trí kịp thời khi có dấu hiệu nguy hiểm.

Biểu hiện và nhận diện loại ong khi bị đốt

- Ong mật: Loại ong này thường tấn công vào các vị trí nguy hiểm như đầu, mặt, cổ của nạn nhân. Sau khi đốt, chúng để lại ngòi trên chỗ đốt; sưng đau, nề tổn thương mắt và dị ứng (mẩn ngứa tại vết đốt, đỏ da toàn thân, khó thở, sốc do dị ứng như mạch nhanh, tụt huyết áp).

- Ong bò vẽ, ong bắt cày, ong đất: Nạn nhân thường bị các loại ong này đốt nhiều nốt một lúc và không để lại ngòi. Nọc ong có độc tính cao, gây tổn thương da và để lại sẹo ở vùng bị đốt; độc với cơ, thận, máu có thể dẫn đến tử vong; gia súc lớn bị đốt nhiều nốt cũng có thể chết.

Cách xử trí khi bị ong đốt

- Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong, đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.

- Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn ép  lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

- Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố.

Sau xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Nếu nạn nhân có biểu hiện nặng lên phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Khi nạn nhân có các biểu hiện như: số lượng vết đốt nhiều, bị đốt vào các vùng mặt, cổ, môi miệng gây đau, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa khó thở, đái ít, mệt mỏi… thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế. Không tự dùng thuốc (dù là thuốc đông y hay thuốc tân dược) làm mất thời gian có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng tránh ong đốt

- Tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động.

- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (thường tháng 3-4)

- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.

- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Để loại bỏ tổ ong nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi. Người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày) đi găng và đầu đội mũ kín.

                                                                       Hoàng Tiến Ninh

                                                     

Ý kiến bạn đọc