CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Cần lắm sự sẻ chia với những bệnh nhân suy thận mãn tính

Ngày 07 / 03 / 2017
|
Hỗ trợ người bệnh

LSO-Những bệnh nhân suy thận mãn tính đang ngày ngày giành giật sự sống với tử thần, coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi một nửa quỹ thời gian của họ gắn với bệnh viện (chạy thận 3 lần/tuần) và chịu những nỗi đau thể xác, những ống dẫn đầy máu của máy lọc thận nhân tạo để duy trì sự sống mong manh.

Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng đông bệnh nhân

Cuộc sống của bệnh nhân suy thận mãn tính rất khắc nghiệt, do không được bài tiết nên chế độ ăn uống phải được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, chạy thận nhân tạo là cách duy nhất để duy trì sự sống. Mỗi lần chạy thận nhân tạo phải rút hết máu ra, đưa vào máy lọc sạch rồi bơm ngược vào người khiến cơ thể bệnh nhân trở nên kiệt quệ, ốm yếu, từng ngày bào mòn sức khỏe của họ.

Bà Nông Thị Yêu (sinh năm 1956), khu phố Hòa Bình, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, là bệnh nhân có “thâm niên” chạy thận 15 năm nay cho biết: Tôi phát hiện bệnh từ năm 2002, do phát hiện bệnh muộn đã ở giai đoạn cuối, kinh tế gia đình khó khăn, không đủ tiền chi trả cho một ca ghép thận hàng trăm triệu đồng, tôi đành phải chọn giải pháp chạy thận nhân tạo để kéo dài sự sống… Năm 1989, chồng bà mất do tai nạn giao thông, khi đó con gái lớn mới hơn 2 tuổi, con gái út mới được 4 tháng tuổi. Mình bà Yêu phải gánh nặng những lo toan của cuộc sống. Ngày bà phát hiện mình mắc bệnh suy thận mãn tính, bà đã bị sốc nặng về tinh thần, nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nhìn các con thơ đang trong tuổi ăn, tuổi học bà lại gượng dậy để chiến đấu với bệnh tật, làm chỗ dựa tinh thần cho các con.

Chị Hứa Thị Thủy (sinh năm 1976), thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2014, tôi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối. Từ đó đến nay, tôi ra vào đây chạy thận đều đặn 3 lần/tuần. Do bệnh đã ở giai đoạn cuối, sức khỏe yếu nên không làm được gì. Do chị Thủy vẫn độc thân nên mọi chi phí đi lại, viện phí đều do anh trai chu cấp.

Chị Lý Thị Thiệp (sinh năm 1991), thôn Nà Van, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình nhớ lại ngày đầu tiên phát hiện bệnh tâm sự: Tôi lập gia đình năm 2011, đến năm 2012 thì sinh con. Nhưng con mới được 6 tháng tuổi thì tôi phát hiện bệnh. Lúc ấy chân tay bủn rủn, mơ màng không tin đó là sự thật. Từ ngày lâm bệnh, một mình chồng phải bươn chải đi làm kiếm tiền chi trả viện phí cho mỗi đợt tôi ra đây chạy thận và nuôi con nhỏ. Mới lập gia đình ở riêng, chưa kịp sắm sửa được gì đã phải vay mượn tiền ngân hàng và vay mượn tiền bên ngoại để kéo dài sự sống. Từ năm 2012 cho đến nay, tôi đã vay 25 triệu đồng để vào viện chạy thận nhân tạo. Nếu như một ngày nào đó không có tiền đi chạy thận nữa thì... Nói rồi, chị đưa tay lên lau dòng lệ chảy tràn trên má.

Trên đây chỉ là một số trường hợp trong số hàng chục bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện nay, tại Phòng chạy thận nhân tạo thuộc Khoa Nội 3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn có dao động từ 100 - 130 bệnh nhân chạy thận. Trong đó có khoảng 90% bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và không có sự chăm sóc của người thân (đa số các bệnh nhân tự phục vụ).

Với phần lớn người bệnh, suy thận mãn tính dường như là “bản án tử” phải sống chung với căn bệnh suốt đời, bởi thời điểm phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm bởi diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận (độ 4 - giai đoạn cuối), cơ thể mới bộc phát các dấu hiệu. Lúc này người bệnh chỉ còn 3 cách để tiếp tục sự sống là ghép thận, chạy thận (lọc máu nhân tạo), lọc màng bụng. Trong những cách trên thì đa số bệnh nhân chạy thận để kéo dài sự sống.

Chị Vy Thị Thu Hằng, Điều dưỡng trưởng, Khoa Nội 3 Chạy thận  -Tiết niệu - Lọc máu cho biết: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận ngày càng tăng, thiết bị để chạy thận thì còn hạn chế nên chúng tôi phải chia ra làm 4 ca để chạy thận cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bệnh nhân đa số đều là hộ nghèo, cuộc sống gia đình khó khăn nên hơn ai hết, những bệnh nhân suy thận đang giành giật sự sống từng ngày tại bệnh viện rất cần sự sẻ chia của cộng đồng để tiếp thêm sức mạnh, hy vọng và tạo thêm điều kiện cho họ chiến đấu với bệnh tật, kéo dài sự sống.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Ý kiến bạn đọc