CẤP CỨU (24/24):
02053.800.115

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ :02053.870.039

Hoạt động chuyên môn

Tăng giá thu dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT

Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, từ ngày 1/6/2017, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT được áp dụng giá viện phí mới. Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn khoá XVI, kỳ họp thứ V thông qua ngày 14/ 7/ 2017, Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 21/8/2017  Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; bắt đầu từ ngày 31/8/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) sẽ  áp dụng giá dịch vụ y tế  theo Nghị quyết này cho đối tượng không có thẻ BHYT . Theo đó, giá các dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng từ 20% đến 50%  như: công khám bệnh tăng lên 39.000đ, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực 632.200 đồng, ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc 335.900 đồng... Với người có thẻ BHYT vẫn không có điều chỉnh gì. Lần tăng giá này để bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường theo hương dẫn của Bộ Y tế. Qua đây, thực hiện bình đẳng về giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Từ ngày 31/08/2017, giá các dịch vụ y tế đối với người không có thẻ BHYT tại BVĐK sẽ tăng khoảng từ 20% đến 50%  Đối với người dân không có thẻ BHYT, gặp khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí khi đến khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn sẽ sử Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh (hình thành từ  một phần chênh lệch thu chi  của Bệnh viện) để hỗ trợ, đảm bảo mọi người đều được khám chữa bệnh theo bệnh lý. Do chi phí một đợt điều trị là khá lớn, một đợt điều trị có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, trong khi mua BHYT tự nguyện chỉ khoảng 600 nghìn đồng/người/năm, người dân cần tham gia BHYT để được giảm gánh nặng viện phí – nguy cơ gây đói nghèo khi không may ốm đau.                                                                                                              Bài, ảnh: Lê Thanh Tú

Thư cảm ơn của bệnh nhân gửi khoa Mắt

Tôi là người phóng viên, nhà báo rất năng động và có cảm xúc bất ngờ và cách nhìn chân thành với quê hương Xứ Lạng của chúng ta. Được đến với khoa Mắt bệnh viện đa khoa tỉnh được các thầy thuốc áo trắng ở đây chữa mắt tôi có cảm nhận sau: Được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh để chữa mắt và điều trị vì đã bị hỏng một bên mắt trái ở tuổi 82. Đến với bệnh viện được làm thủ tục khám chữa bệnh, được gặp các cán bộ áo trắng, tiếp nhận những hướng dẫn về thủ tục hành chính, rồi được khám xét của bác sỹ rất nhanh, được đưa đến các phòng để kiểm tra y học về mắt như máu, nước tiểu, Xquang,... rất nghiêm túc và chính xác, đầy đủ đúng với y học trước mổ, phục hồi chức năng của mắt. Chỉ trong vài giờ mọi thủ tục hành chính đã xong. Bản thân tôi rất bất ngờ về sự chính xác, nhiệt tình, yêu thương người bệnh. Sự nhanh nhẹn, trách nhiệm với chuyên môn tốt, quyến rũ được cả các các cháu bé, các cụ già lão thành, các bà con nông thôn đến để chữa bệnh. Trong 3 ngày nằm viện thấy các y bác sĩ đã nhanh chóng mổ cho mấy chục người bệnh. Trong đó có tôi và phòng điều trị của tôi có thêm hàng chục bệnh nhân khác. Có người đến với bệnh viên để xin khám mổ 1 mắt nhưng sau khi mổ 1 mắt sáng lại thau đổi đề nghị bác sĩ mổ cho bên mắt còn lại. Niềm tin ở bệnh viện đã chiếm lĩnh được tâm hồn, ý tưởng và cuộc sống của họ, họ đã phát hiện ra sự kỳ diệu từ chuyên môn của các y bác sĩ của quên hương Lạng Sơn thân yêu. Kết quả của phục vụ sức sống của nhân dân sẽ ngang tầm với các tỉnh bản đi trước. Trong thời gian nằm viện tôi cũng hết sức hài lòng với các nhân viên khoa từ bác sĩ, điều dưỡng đến hộ lý. Họ luôn gần gũi, nhẹ nhàng, thân thiện coi người bệnh như người thân thiết. Họ hướng dẫn, dặn dò cho người bệnh rất chi tiết khiến chúng tôi thấy rất yên tâm. Khoa còn có buổi họp người bệnh để hướng dẫn, truyền thông về bệnh mắt bổ sung thêm kiến thức chăm sóc mắt khiến tôi rất ấn tượng và thấy buổi họp thật bổ ích, ý nghĩa cho người bệnh. Từ đây cũng đề nghị lãnh đạo ngành, tỉnh ta chăm lo nhiều hơn để trang bị và thúc đẩy khả năng phục vụ và tài năng kỹ thuật khoa học y tế tiến lên xứng tầm với sự đổi mới để phát triển Lạng Sơn, xây dựng quê hương Hoàng Văn Thụ. Lạng Sơn, ngày 04 tháng 08 năm 2017 Người viết Bệnh nhân khoa Mắt Vũ Bách Phóng viên Hội nhà báo cao tuổi tỉnh Lạng Sơn  

Giữ gìn an ninh trật tự để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh

Việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong Bệnh viện là vấn đề rất quan trọng, cần được sự phối hợp của cộng đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) là cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất của tỉnh, trung bình mỗi ngày có 2000 - 2500 người có mặt tại Bệnh viện, bao gồm nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau. Đa số những người đến Bệnh viện đều có vấn đề về sức khỏe, mang tâm trạng lo lắng, bất an, đôi khi thiếu cảnh giác.  Điều đó là điều kiện để kẻ gian lợi dụng thực hiện những hành vi như trộm cắp, gây rối... Trong khi đó, hoạt động chuyên môn của Bệnh viện cần được khẩn trương và tập trung cao độ. Do vậy, việc đảm bảo an ninh trật tự trong Bệnh viện giúp đảm bảo cho bác sĩ thực hiện chuyên môn, đồng thời giúp người bệnh yên tâm điều trị. Trong thời gian qua, có một số sự việc gây mất trật tự trị an trong Bệnh viện như: Trộm cắp tài sản, Truy sát do xích mích cá nhân, Lăng mạ và hành hung nhân viên y tế... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Do vậy, để đảm bảo ANTT, Bệnh viện đã có nhiều biện pháp tăng cường. Lực lượng bảo vệ được xây dựng và củng cố, có phương thức và các phương án bảo vệ cụ thể; đồng thời tổ chức lực lượng tự vệ. Tại các khoa, phòng đều niêm yết số điện thoại đường dây nóng để người bệnh kịp thời phản ánh các vấn đề. Các khu vực đông người qua lại như cổng Bệnh viện, phòng khám được lắp đặt camera giám sát. Các khu vực đông người qua lại như cổng Bệnh viện, phòng khám được lắp đặt camera giám sát Bệnh viện cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an để thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như trấn áp. Một số vụ việc gây mất trật tự trị an, khi Bệnh viện có yêu cầu, lực lượng công an đã có mặt kịp thời và hỗ trợ tích cực. Bệnh viện cũng chủ động ngăn ngừa. Một số sự việc về trộm cắp tài sản, lực lượng bảo vệ đã tích cực truy đuổi, thu hồi tài sản, tăng cường tuần tra trong cả giờ làm việc và giờ trực để kẻ gian khó hoạt động. Tất cả những biện pháp đó giúp cho tình hình an ninh trật tự trong Bệnh viện được đảm bảo. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi gây mất trật tự trị an. Xây dựng môi trường làm việc an toàn, tích cực là điều kiện thuận lợi để Bệnh viện làm tốt công tác chuyên môn, phục vụ người bệnh được tốt hơn, mang tới sự hài lòng cho người bệnh.  

Niềm hạnh phúc với cậu bé có khối u gần 1 kg ở mặt

Vừa qua, trong  chương trình phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK), có một trường hợp bệnh nhân đặc biệt. Em Hoàng Văn T (15 tuổi, ở huyện Bình Gia) có một khối u lớn ở vùng thái dương lan đến cả mắt phải. Theo như người nhà chia sẻ, ngay từ lúc mới sinh ra, em đã có một cái bớt đen trên mặt. Lúc đó, gia đình nghĩ là bình thường nên không đưa em đi khám. Càng lớn, vết bớt đen đó càng phát triển và trở thành một khối u lớn lan khắp thái dương và mắt phải. Khối u làm biến dạng vùng mặt – thái dương. Mắt phải cũng bị giảm thị lực khiến sinh hoạt hàng ngày của T gặp rất nhiều khó khăn. T thường xuyên bị bạn bè chêu trọc, kỳ thị làm em trở nên tự ti, lúc nào mặt cũng cúi gằm và đội mũ che kín vùng khối u. Bố mẹ T chỉ ở nhà làm ruộng nên cũng không có điều kiện để đưa em đi khám để phẫu thuật.   Khối u nặng gần 1 kg khiến T gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt May mắn đã đến khi T được tham gia chương trình phẫu thuật dành cho trẻ em khuyết tật do BVĐK phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh & Xã hội cùng Trung tâm II (Trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật) tổ chức. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận em mắc u xơ thần kinh ngoại biên vùng thái dương phải. T cần được phẫu thuật sớm bởi nếu để lâu, khối u phát triển lớn sẽ gây nguy hiểm tới mắt. Thông thường T sẽ phải về Hà Nội mới phẫu thuật được. Nhưng với sự có mặt, trực tiếp thăm khám của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thiết Sơn; chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội; em được quyết định phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Kíp phẫu thuật gồm GS.Trần Thiết Sơn và các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt của BVĐK đã tiến hành phẫu thuật cho T. Sau hơn 3 giờ, khối u nặng gần 1 kg đã được cắt bỏ. Ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng đồng hồ Sau 10 ngày điều trị, hiện tại, sức khỏe của T ổn định, vết mổ khô, đã được cắt chỉ và xuất viện. T nói: "Em vui lắm vì thấy khuôn mặt của mình không còn đáng sợ như trước nữa. Sinh hoạt hàng ngày cũng thuận tiên hơn, em không còn cảm giác nặng mắt nữa (cười). Cảm ơn các bác sĩ đã tận tình điều trị để em được trở lại cuộc sống bình thường". Trong thời gian tới, T sẽ phải tiếp tục phẫu thuật để loại bỏ nốt phần khối u nhỏ dưới bọng mắt.  Việc phẫu thuật loại bỏ khối u vùng mặt nặng gần 1 kg cũng là dịp các bác sĩ BVĐK được chuyển giao kỹ thuật, nâng cao thêm năng lực chuyên môn. Cùng với T, qua chương trình này, nhiều trẻ khuyết tật đã được phẫu thuật thành công, khắc phục dị tật, mang lại nụ cười cho các em. Nông Tố Quỳnh - Phòng CTXH

Thông báo Tuyển dụng lao động hợp đồng

Để đảm bảo nhân lực phục vụ công tác chuyên môn, Bệnh viện có nhu cầu ký hợp đồng lao động bổ sung: - 15 điều dưỡng (trình độ Cao đẳng trở lên) - 02 y tế công cộng (Trình độ Đại học) - 08 hộ lý (Có Chứng chỉ). - 01 Kỹ sư xây dựng - Quản lý công trình (Trình độ Đại học) Bệnh viện xin thông báo tiếp nhận hồ sơ lao động hợp đồng đối với các đối tượng trên. Sau khi được Sở Y tế phê duyệt nhu cầu, Bệnh viện sẽ tiến hành lựa chọn đối tượng ký hợp đồng bằng hình thức phỏng vấn tuyển dụng. 1. Hồ sơ có đủ các thành phần sau: - Đơn xin đi làm. - Sơ yếu lý lịch có xác nhận tại địa phương. - Giấy chứng nhận sức khỏe cách tối đa 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ. - Bản sao CMND, giấy khai sinh. - Bản sao Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ phù hợp với trình độ tuyển dụng. - Bản sao Bảng điểm học tập toàn khóa. - Bản sao Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (nếu có). (Các bản sao giấy tờ nêu trên đều phải có công chứng) 2. Thời gian nhận hồ sơ: Từ ngày 28/7/2017 đến hết ngày 06/08/2017 3. Nơi nhận hồ sơ: Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn Điện thoại liên hệ: 02053.898.126 4. Lưu ý: - Cá nhân có nhu cầu tuyển dụng trực tiếp đến nộp hồ sơ. Bệnh viện không nhận hồ sơ chưa có đủ các thành phần trên hoặc các giấy tờ có liên quan không hợp lệ theo quy định hiện hành. - Các đối tượng chưa đạt, nếu có nhu cầu, Bệnh viện sẽ tạo điều kiện thực hành tay nghề tại Bệnh viện (không mất phí đào tạo) và cấp chứng nhận đủ thời gian thực hành để đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Thơ tưởng niệm Liệt sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy

KHÓC EM (Tưởng niệm Bác sĩ Liệt sĩ Thu Thủy) Chiều biên giới rợp trời đạn lửa Em đã vì dân hiến trọn tuổi thanh xuân Tà áo bờ lu loang hồng máu đỏ Thanh thản nằm trong vòng tay đồng nghiệp mến thương   Tan giặc rồi! Em ơi, có biết? Súng đạn quân thù đã giết chết em Chiều biên giới lặng buồn da diết Anh đi tìm em! Anh đi tìm em!   Gió ơi! Xin đừng thổi Xin đừng trút lạnh heo may Rãnh bên đường làm sao che nổi Rét tái tê trên xác em tôi!   Đào đang nở, trời xuân đang vẫy gọi Hai mươi bảy tưởi đời, em vội đi xa Cái vẫy tay chào... buổi lên đường ngày ấy Và...bím tóc tung tăng trên tà áo kiêu sa...   Biên giới vào xuân miên man cõi nhớ Một nén hương lòng! Thu Thủy biết chăng? Một niềm riêng nồng nàn chan chứa Thu Thủy em ơi! Có thấu lòng anh?   Nguyễn Đắc Đại (Nguyên cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn)

Hoạt động tri ân nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Phát huy truyền thống"uống nước nhớ nguồn", Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đã có nhiều hoạt động tri ân thiết thực và ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Sáng 25/07/2017, Đoàn cán bộ Bệnh viện đã tới tri ân gia đình 02 liệt sĩ từng công tác tại BVĐK. Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, lái xe Lê Văn Thuận, Y tá Nguyễn Thị Sâm đã anh dũng hi sinh trong chiến tranh Biên giới bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Trong hồi ức, chắc hẳn mọi người vẫn nhớ, lẽ ra chuyến đi đó không phải phiên của bác sĩ Thủy nhưng chị đã xung phong đi thay người khác để kịp lên đường cấp cứu bệnh nhân. Sự hi sinh của các anh chị đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân và đồng nghiệp. Các anh chị mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ trong Bệnh viện, là tấm gương soi sáng cho những thầy thuốc trẻ hôm nay. Chiều 26/7/2017, BVĐK đã tổ chức buổi Gặp mặt các thương binh, thân nhân thương binh - liệt sĩ đang công tác tại Bệnh viện. Những câu chuyện, những mảnh kí ức của các thân nhân đã góp phần gợi nhắc lại một thời khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Hàng triệu người con ưu tú đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập của Tổ quốc, cho nhân dân cuộc sống hòa bình, tự do. Qua đó, mỗi nhân viên càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Sáng 27/7/2017, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã tới thăm hỏi và tặng quà các bệnh nhân là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang điều trị tại Bệnh viện ĐK tỉnh. Việc làm mang ý nghĩa động viên tinh thần lớn lao, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị, sớm trở về với gia đình. Đây cũng là dịp để cán bộ, nhân viên Bệnh viện tri ân tới các liệt sĩ, thương binh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Dưới đây là một số hình ảnh thăm hỏi các bác là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang điều trị tại Bệnh viện:   

Mổ đẻ thành công trường hợp sản phụ loạn nhịp tim

Đêm 12/7/2017, Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân  Cao Thị Mai L (31 tuổi).  Sản phụ mang thai lần 2, tuổi thai 38 tuần. Trước đó, sản phụ chưa phát hiện bệnh lý gì về tim mạch. Trước khi vào viện hơn 6 giờ, sản phụ có hiện tượng hồi hộp, đau tức ngực, nhưng 22h20 sản phụ mới nhập viện. Lúc vào, chị L có nhịp tim rất nhanh 150-160 lần/phút, đau ngực, khó thở chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Dấu hiệu của thai nhi vẫn bình thường. Kíp trực gồm lãnh đạo Bệnh viện, các bác sĩ Sản khoa cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tim mạch, Gây mê hồi sức đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán cơn nhịp nhanh trên thất ở bệnh nhân thai lần 2, tuổi thai 38 tuần. Xác định đây là trường hợp nặng, cần phẫu thuật lấy thai nhưng nhịp tim nhanh, nguy cơ đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Kíp trực đã quyết định điều trị tích cực chống loạn nhịp tim trước khi phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, sau 2 giờ điều trị, bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, nhịp tim vẫn không giảm, vẫn đau và hồi hộp trống ngực, khó thở. Tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy hiểm. Nếu chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân có thể diễn biến xấu, nguy cơ tử vong trên đường đi. Kíp trực quyết định mổ cấp cứu lấy thai. Kíp trực quyết định mổ cấp cứu lấy thai Trong quá trình phẫu thuật, một kíp thực hiện phẫu thuật, một kíp các bác sĩ chuyên khoa hồi sức và chuyên khoa tim mạch sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân ngừng tim ngay trên bàn mổ. Sau 1 giờ phẫu thuật kết hợp hồi sức căng thẳng, ca phẫu thuật thành công. Một bé gái chào đời khoẻ mạnh nặng 2500g. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, nhịp tim trở về bình thường. Có thể nói, việc cấp cứu thành công trường hợp này là cố gắng rất lớn của các bác sĩ khoa Phụ sản, Nội Tim mạch, Gây mê hồi sức. Giám đốc Bệnh viện đã quyết định khen thưởng đột xuất cho toàn kíp trực khoa Phụ sản ngày 12/07/2017. Trong quá trình mang thai cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi, nhất là về huyết học và tuần hoàn. Đối với những sản phụ có bệnh tim mạch thì thai nghén càng làm bệnh nặng thêm, từ đó dễ xảy ra tai biến nguy hiểm cho cả mẹ và cho thai nhi. Rối loạn nhịp nhanh cũng khá phổ biến trong thai kỳ, khoảng 20% trường hợp phụ nữ có cơn nhịp nhanh trên thất từ trước sẽ biểu hiện trong thời kỳ có thai. Vì vậy, các sản phụ cần đi khám thai và theo dõi các vấn đề về tim mạch trong suốt thai kỳ. Bác sĩ Như Thùy Vân

Trang